Cẩn trọng với thủ đoạn tống tiền bằng ảnh deepfake

Với khả năng hoán đổi, cắt ghép gương mặt của một người vào người khác, công nghệ deepfake (một phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video bởi trí tuệ nhân tạo) ngày càng cho thấy nguy cơ về lừa đảo, giả mạo. Chiêu thức này không mới nhưng nếu không tỉnh táo thì các nạn nhân có thể bị lừa đảo bất cứ lúc nào.
0:00 / 0:00
0:00
Người sử dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng cần thận trọng trong việc đăng tải, chia sẻ các hình ảnh, thông tin cá nhân để tránh bị lợi dụng, lừa đảo.
Người sử dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng cần thận trọng trong việc đăng tải, chia sẻ các hình ảnh, thông tin cá nhân để tránh bị lợi dụng, lừa đảo.

Mới đây, anh H.V.K. (ngụ quận Gò Vấp) nhận được tấm ảnh gửi qua messenger (ứng dụng nhắn tin, gọi điện của Facebook), khi mở ra thì anh tá hỏa vì đó là tấm hình mình đang khỏa thân. Đối tượng lạ gửi đến anh K. tấm ảnh này với mục đích tống tiền. Đối tượng yêu cầu anh chuyển khoản 5 triệu đồng nếu không sẽ gửi hình ảnh này cho bạn bè của anh K. trên mạng xã hội.

Tìm hiểu về hình thức này, anh H.V.K. cho biết: Khuôn mặt anh trên tấm hình này được cắt ghép trong tấm ảnh khỏa thân nêu trên có khả năng bị đối tượng lấy từ ảnh đại diện của anh trên Facebook. “Khi thấy hình ảnh đó, tôi rất sợ. Mặc dù biết đó không phải mình nhưng nếu đối tượng gửi cho bạn bè thì họ sẽ không biết. 5 triệu đồng cũng là số tiền lớn với tôi nên tôi nhắn đối tượng xin hoãn việc chuyển tiền”, anh H.V.K. kể lại.

Sau đó, anh H.V.K. trình báo sự việc với công an. Tuy nhiên, vì địa chỉ IP (Internet Protocol-giao thức Internet) bị giả mạo cho nên việc tìm kiếm người đứng sau vụ tống tiền này rất khó. Cán bộ công an khuyên anh, để xử lý việc này, anh K. nên đăng bài đính chính tấm ảnh deepfake khỏa thân này lên trang Facebook của mình để thông báo cho mọi người đây là hình ảnh giả mạo. Qua một thời gian, anh H.V.K. chưa nhận được phản hồi từ đối tượng tống tiền hay thông báo của bạn bè về việc bị tung ảnh deepfake nhạy cảm. Tuy nhiên, vì lo lắng sự việc có thể tái diễn, anh K. quyết định xóa tài khoản cũ, tạo tài khoản mới, giới hạn vòng bạn bè và cẩn trọng hơn với việc đăng ảnh cá nhân lên mạng xã hội.

Tương tự, chị T.T.H. (ngụ quận Bình Tân) cho biết: Khi chị đang ở công ty làm việc thì nhận được tin nhắn của một người bạn qua Facebook với nội dung “Cho mình mượn tạm 10 triệu đồng vì đang có việc cần gấp”, kèm theo đó một tài khoản không “chính chủ” của người bạn. Cẩn thận, chị H. gọi video để kiểm chứng thì hình ảnh bên kia hiện lên đúng khuôn mặt của bạn mình dù hơi mờ. “Bạn” chị H. giải thích do sóng yếu nên không nói chuyện được.

Chị H. tin tưởng cho nên chuyển vào tài khoản không chính chủ nêu trên 10 triệu đồng như lời “nhờ vả” trước đó. Sau đó, chị H. biết mình bị lừa đảo khi người bạn xác nhận mình không hề nhắn tin, gọi điện để mượn tiền như chị H. kể lại. Khi biết sự thật thì mọi việc đã quá muộn.

Theo Công an thành phố, thủ đoạn chung của các đối tượng khi lừa đảo là lấy hình ảnh đăng công khai trên mạng xã hội của người dùng, sau đó, dùng công nghệ deepfake AI tạo hình ảnh, video giả với khuôn mặt thật cùng phần thân dưới bị giả mạo bằng các hình ảnh nhạy cảm. Khi đã có những hình ảnh được chỉnh sửa tinh vi, các đối tượng dùng tài khoản giả mạo và nhắn tin đe dọa nạn nhân nhằm lừa đảo. Chiêu trò lừa đảo này đánh vào tâm lý hoang mang, sợ ảnh hưởng đến danh dự của nạn nhân khi thấy khuôn mặt của mình bị ghép vào ảnh nhạy cảm và có nguy cơ bị phát tán.

Công an thành phố khuyến cáo, quá trình sử dụng mạng xã hội, người dùng cần tìm hiểu và chọn lọc, sử dụng các ứng dụng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; đọc kỹ các điều khoản, yêu cầu trước khi cài đặt và sử dụng ứng dụng.