Vùng miền núi phong phú nhiều sản vật tự nhiên có thể chế biến làm thực phẩm. Tuy nhiên, lẩn khuất trong đó, có nhiều loại cây rừng, động vật có chứa độc tố tự nhiên, nếu sơ sẩy ăn phải hoặc chế biến nhầm có thể dẫn đến chết người. Đứng đầu bảng những vụ ngộ độc gây chết người ở Bắc Kạn là do ăn nhầm lá ngón và nấm độc. Cây lá ngón được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, ăn ba lá có thể tử vong.
Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về sự nguy hiểm do lá ngón. Phần lớn bà con ở vùng cao đều biết rõ loài cây cực độc này, tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra những vụ hái nhầm lá ngón làm thức ăn.
Ngày 18/3/2022, sáu người trong nhóm công nhân xây dựng cột tiếp sóng Vinaphone tại thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn) đi hái rau rừng và măng để nấu ăn bữa tối. Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, cả sáu người xuất hiện các triệu chứng ngộ độc và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn cấp cứu. Sau đó một người đã tử vong; bốn người bị nặng được chuyển tiếp đến Bệnh viện đa khoa tỉnh và may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Kết quả xác minh cho thấy, nhóm các công nhân này đã hái nhầm cây lá ngón về nấu ăn vì trông giống một loại rau rừng.
Cuối tháng 8/2021, trong khi đi rừng, gia đình bà H.T.L ở Khuổi Vạc, xã Văn Vũ (Na Rì) đã hái nấm rừng mang về làm thức ăn cho cả nhà. Khoảng hai tiếng sau khi ăn cơm trưa với món nấm rừng, hai cháu nhỏ trong gia đình bà L cùng có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi toàn thân và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Na Rì cấp cứu. Cả hai được cấp cứu, điều trị kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Đầu tháng 3/2020, ông B.N.K cùng ông H.S.P và anh B.H.L, xã Quảng Khê (Ba Bể) đã đào nhiều đoạn rễ cây rừng mang về nhà ông K. Mấy hôm sau, trong lúc ăn cơm tối, ông K thái lát đoạn rễ cây nêu trên cho vào hai chai rượu rồi cả ba người cùng uống, sau đó đi ngủ. Đến đêm, ba người này có biểu hiện buồn nôn, chân tay co cứng, nên được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ba Bể cấp cứu. Nhưng hai ông K và P đã tử vong.
Sơ sẩy trong chế biến món ăn cũng là điều dẫn tới những vụ ngộ độc tại Bắc Kạn. Mới đây nhất, tối 9/7/2022, tại thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), tám người chế biến món ăn từ cá trắm đen, gồm: gỏi cá trắm; canh cá trắm nấu với quả sấu; canh lòng cá có hòa mật cá nấu với lá cây mật gấu; cá trắm rán.
Sau khi ăn, đến khoảng 21 giờ cùng ngày, cả tám người có dấu hiệu bị ngộ độc nặng, phải đưa đi cấp cứu. Trong đó, có ba người hôn mê sâu phải thở máy, chuyển lên điều trị tại tuyến trên. Xác minh ban đầu của Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, các nạn nhân có dấu hiệu bị ngộ độc mật cá trắm do đã hòa một phần mật cá vào nấu canh. Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn Trần Văn Tuyến cho biết, ngộ độc mật cá trắm gây suy thận cấp, tan máu..., nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. May mắn là hiện tại, các nạn nhân đều đã dần hồi phục sức khỏe.
Tại Bắc Kạn, vẫn còn tình trạng người dân dùng các loại mật động vật, cây rừng để ngâm rượu hoặc nấu ăn với suy nghĩ cho rằng tốt cho sức khỏe. Tốt đến đâu thì chưa rõ nhưng nhiều loại mật động vật, cây rừng có chứa độc tố tự nhiên nếu hái, chế biến nhầm sẽ gây hậu quả khôn lường.
Theo thống kê của Phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn), từ năm 2018 đến 2022, trên địa bàn Bắc Kạn đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm với 209 người mắc, trong đó có ba người tử vong. Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm không tăng nhiều qua các năm, nhưng ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên năm nào cũng có và vẫn thường tập trung tại các thôn vùng cao. Nguyên nhân chính là do người dân còn chủ quan, vẫn hái nấm ở rừng, rễ, quả rừng không rõ nguồn gốc, mật động vật về sử dụng.
Trong những năm gần đây, vấn đề phòng, chống ngộ độc thực phẩm nói chung và phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên nói riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn luôn được các cấp, ngành, các địa phương chú trọng và vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng để nâng cao ý thức, nhận thức của người dân nhằm tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Trưởng phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Cao cho biết: Ngành y tế luôn khuyến cáo người dân nên ăn ngay thực phẩm sau chế biến, nếu quá bốn giờ phải bảo quản tủ lạnh, hâm nóng; lựa chọn thực phẩm an toàn, không bị ôi, thiu, mốc; không nên tự ý hái các loại rau rừng không rõ độc tố, ngâm các loại rễ cây có độc tính; không nên ngâm, uống các loại mật động vật.