Cẩn trọng trong chỉnh trang khu vực trung tâm

Ủy ban nhân dân thành phố vừa có văn bản về thực hiện cải tạo cảnh quan khu vực phía trước chợ Bến Thành và đầu tư xây dựng tại khu vực trung tâm thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ Bến Thành, một địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch tham quan.
Chợ Bến Thành, một địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch tham quan.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao phối hợp các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu chính sách mời gọi đầu tư tại khu vực trung tâm thành phố; tổ chức thi tuyển ý tưởng (thiết kế trục đường Lê Lợi và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành; khu vực Công viên 23/9).

Sở Quy hoạch-Kiến trúc hoàn chỉnh phương án thiết kế tổng thể cảnh quan khu vực phía trước chợ Bến Thành. Trong đó, có nội dung về vị trí đặt tượng và đúc lại tượng Trần Nguyên Hãn, tượng Quách Thị Trang theo nguyên bản bằng chất liệu bền vững hơn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải có nhiệm vụ chủ trì, thành lập tổ công tác thực hiện rà soát lại hiện trạng điều tiết giao thông khu vực trước chợ Bến Thành; tính toán lưu lượng xe khi nhà ga trung tâm Bến Thành, các công trình trong khu vực đưa vào khai thác để có phương án tổ chức giao thông tối ưu, thông thoáng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực trước chợ Bến Thành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận1 theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện dự án cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành, rút ngắn thời gian, hoàn tất thủ tục pháp lý trong sáu tháng, cố gắng khởi công dự án vào ngày 1/6/2024.

Theo các chuyên gia đô thị, trong bối cảnh hiện nay, chỉnh trang khu vực trung tâm thành phố là việc làm rất cần thiết và hợp lý, tăng tính thẩm mỹ cho bộ mặt của khu vực trung tâm thành phố. Việc chỉnh trang sẽ góp phần giúp thành phố phát triển tốt hơn nữa về nhiều lĩnh vực.

Vì vậy, để công tác chỉnh trang đạt được mục tiêu, hiệu quả cao nhất, thành phố cần có những nghiên cứu, kế hoạch, chương trình, thiết kế… từ cụ thể, chi tiết đến tổng thể; bảo đảm đồng bộ, hài hòa giữa các công trình, hạng mục, khu vực… Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm liên quan cần trọng dụng những kiến trúc sư giỏi, người có năng khiếu, năng lực cao về mỹ thuật, thẩm mỹ… và am hiểu sâu sắc về văn hóa, lịch sử, bản sắc thành phố.

Công tác chỉnh trang nên bắt đầu từ những vấn đề thường được xem là nhỏ như vỉa hè, mái che, nhà vệ sinh, cây xanh… Những việc này đơn giản, dễ làm và cũng ít tốn kém. Trước hết, các con đường, hẻm… cần được làm vệ sinh sạch sẽ, phủ bóng cây xanh, bảo đảm an toàn… Các công viên như 23/9, Tao Đàn, Lê Văn Tám… nên được làm sạch, thông thoáng, trả lại những không gian công cộng đúng nghĩa để người dân thư giãn hoặc tập thể dục-thể thao.

Công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội cần được tăng cường hơn nữa, làm sao giảm đến mức thấp nhất các loại tệ nạn xã hội. Với các quán xá, hàng rong, cần tổ chức, sắp xếp lại cho gọn gàng, trả lại diện tích vỉa hè thích hợp cho người đi bộ. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích lớn, dài hạn của lối sống thân thiện, cởi mở, hiếu khách; nếp kinh doanh, buôn bán văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, cần xây lắp thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng miễn phí ở những địa điểm thường có đông người dân, khách du lịch lai vãng. Trong đó, yêu cầu hàng đầu là bảo đảm sự hài hòa, giữ được những đặc điểm văn hóa-lịch sử đặc trưng của thành phố; đồng thời, tạo ra được những nét đặc sắc, dấu ấn mới cho một đô thị hiện đại.

Công tác chỉnh trang không được nóng vội mà cần sự kiên trì (xác định có thể thực hiện trong nhiều năm), tùy thuộc nguồn vốn đầu tư. Hơn nữa, cũng cần chỉnh trang các địa bàn lân cận khu vực trung tâm, tránh để xảy ra tình trạng khác biệt “một trời, một vực” giữa hai khu vực này.