Cần Thơ phát triển xe buýt hiện đại

Hơn hai năm qua, nhờ xã hội hóa trong đầu tư phát triển xe buýt hiện đại, chất lượng cao, hệ thống xe buýt Cần Thơ mở nhiều tuyến nội thành và kết nối các tỉnh trong khu vực; thu hút lượng khách tăng hơn 3 lần so với năm 2020, góp phần giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Hành khách đi tuyến xe buýt Ô Môn-Ba Láng.
Hành khách đi tuyến xe buýt Ô Môn-Ba Láng.

Giữa tháng 10/2023, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải Cần Thơ phối hợp Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đưa vào hoạt động tuyến xe buýt từ Ngã ba Lộ Tẻ (quận Thốt Nốt)-Kinh B đến bến xe tỉnh Kiên Giang, có chiều dài toàn tuyến hơn 58 km; thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 17 giờ 30 phút hằng ngày, tần suất từ 30-40 phút/chuyến.

Để phục vụ tuyến này, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đầu tư 10 xe buýt mới, sức chứa 24 chỗ gồm 16 chỗ ngồi và 8 chỗ đứng. Tất cả các xe đều được gắn thiết bị giám sát hành trình, camera, trang bị thiết bị bán vé tự động.

Trên xe còn trang bị wifi, máy lạnh… bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách. Giá vé từ 15.000-35.000 đồng/chặng, toàn tuyến là 55.000 đồng. Riêng học sinh, sinh viên giá vé chỉ 5.000 đồng/lượt toàn tuyến.

Chị Lê Thị Thanh, hành khách trên tuyến xe này cho biết: Đi xe buýt bây giờ thuận tiện nhờ giá vé hợp lý, xe chạy êm, có máy lạnh, kết nối mạng miễn phí. Quan trọng là bảo đảm an toàn hơn so với phương tiện cá nhân.

Hiện, thành phố Cần Thơ đang khai thác bảy tuyến xe buýt nội ô chất lượng cao, không trợ giá. Trong đó, tuyến Ô Môn-Ba Láng có đông hành khách nhất, chiếm hơn 50% lượng hành khách đi xe buýt nhờ chạy qua khu vực trung tâm có nhiều trường học, khu công nghiệp.

Thành phố còn phối hợp các địa phương mở 10 tuyến xe buýt liền kề kết nối với các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang. Vì vậy, người dân từ các tỉnh, sinh viên có thể dễ dàng đến Cần Thơ học tập, khám chữa bệnh.

Ông Trần Văn Thái, hành khách đi xe buýt từ Sóc Trăng đến Cần Thơ khám bệnh định kỳ hằng tuần nhận xét: “Có tuyến xe buýt mới hiện đại, người dân có thêm lựa chọn, đi lại an toàn, tiết kiệm. Tôi mong sẽ có thêm nhiều tuyến xe mới đến trung tâm các xã đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn”...

Thành phố Cần Thơ có kế hoạch mở mới năm tuyến xe buýt liền kề, gồm: công viên sông Hậu-thị trấn Kinh Cùng, huyện Phong Điền-thị trấn Bảy Ngàn (tỉnh Hậu Giang); Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ-thị trấn Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng); huyện Thới Lai-huyện Giồng Riềng và huyện Cờ Đỏ-huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang).

Để thu hút hành khách, thành phố đầu tư 501 điểm dừng, nhà chờ đón trả khách hiện đại với số tiền hơn 21 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, xây dựng 70 nhà chờ tại quận Ninh Kiều và Bình Thủy, quy mô đáp ứng cho khoảng 5-8 người ngồi chờ.

Các nhà chờ này có hệ thống băng ghế ngồi tiện ích, sạch sẽ; lắp đặt bảng chỉ dẫn gồm các thông tin về lộ trình, thời gian, tuyến xe và bảng báo điện tử để hành khách theo dõi lịch trình di chuyển; hệ thống camera để quan sát, quản lý khu vực nhà chờ. Bên cạnh đó, 431 trạm dừng xe buýt lắp đặt trụ biển báo điểm dừng xe buýt kết hợp với biển thông tin tuyến.

Đến cuối tháng 11/2023 các nhà chờ, trạm dừng sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, một số tuyến ít khách nhưng không được trợ giá nên không duy trì được tần suất, thời gian khởi hành đúng như quy định, thường kéo dài chờ khách. Mạng lưới xe chưa rộng khắp, chủ yếu mới đến trung tâm các quận, huyện làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Các bến xe buýt đang khai thác là bến tạm, cơ sở vật chất hạn chế cũng ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải…

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ Phạm Văn Đồng cho biết: Để thu hút người dân đi xe buýt, Sở Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị quản lý phối hợp doanh nghiệp vận tải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh để ngày càng có nhiều người biết đến hệ thống xe buýt và lựa chọn làm phương tiện đi lại.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến xe để có điều chỉnh cho phù hợp, tăng khả năng tiếp cận của người dân. Ngành giao thông đang xây dựng cơ chế trợ giá cho một số tuyến để nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút hành khách đi xe buýt.