Chiều 21/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các báo cáo về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Quy định các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát cơ động trong thời điểm hiện nay, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
“Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phức tạp trong tình hình mới đặt ra yêu cầu phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều, với nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Cảnh sát cơ động.
Dự thảo Luật quy định các nhóm nhiệm vụ cơ bản và quyền hạn của Cảnh sát cơ động; bổ sung, làm rõ các quy định liên quan hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều chỉnh, làm rõ quy định về thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ của Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời, bổ sung quy định về phối hợp của Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ; cũng như quy định về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ.
Dự thảo Luật tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời cho rằng dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó còn có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể các trường hợp sử dụng và phạm vi hoạt động của Cảnh sát cơ động để hạn chế tình trạng luật khung, luật ống, tránh chồng chéo với quy định của pháp luật có liên quan. Một số ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật không nên quy định lại những nội dung đã được Luật Công an nhân dân quy định, chỉ nên quy định những nội dung có tính chất đặc thù đối với Cảnh sát cơ động.
Cũng theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, có một số ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm việc xây dựng Cảnh sát cơ động “hiện đại”, các chính sách cần ưu tiên, thời gian, lộ trình, nguồn lực thực hiện để bổ sung một số quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị chỉnh sửa khoản 1 trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động hiện hành và bổ sung nguyên tắc “tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân”.
Một số ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát cơ động chỉ được huy động người, phương tiện, thiết bị khi chủ trì thực hiện các nhiệm vụ được giao; đối với trường hợp Cảnh sát cơ động tham gia, phối hợp thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của chính quyền hoặc các lực lượng khác, thì việc huy động phải do người chỉ huy hoặc lực lượng chủ trì quyết định.
Đề xuất bổ sung người dân tộc thiểu số trong thành phần tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết nâng cấp Pháp lệnh Cảnh sát cơ động lên thành Luật Cảnh sát cơ động để phù hợp thể chế hóa các chủ trương của Đảng và các chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Góp ý vào Điều 24 dự thảo Luật về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đề nghị bổ sung thêm thành phần dân tộc thiểu số vào thành phần tham gia, đồng thời bổ sung thêm một khoản quy định “Nhà nước có chính sách ưu tiên tuyển chọn người dân tộc thiểu số trong Cảnh sát cơ động công tác tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.
“Người dân tộc thiểu số sinh ra và lớn lên ở các địa phương này thành thạo tiếng dân tộc, thuộc địa bàn, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào. Điều này là lợi thế cho việc tổ chức hành quân, cũng như thực hiện nhiệm vụ Cảnh sát cơ động trong trường hợp xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự”, đại biểu Leo Thị Lịch cho hay.
Góp ý về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) tán thành gợi ý nêu trong báo cáo thẩm tra cho rằng, nên quy định bổ sung nhiệm vụ phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các lực lượng thuộc Quân đội trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, bên cạnh phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân và các đơn vị có liên quan.
“Trong quá trình thực hiện và phạm vi nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động cũng có liên quan đến những nhiệm vụ xuyên biên giới, hoặc những nhiệm vụ chống bạo loạn, lật đổ mà cần huy động các lực lượng hỗ trợ”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nói.