Hơn 10 năm trước, để chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế khi thị trường vàng tạo sức hút rất lớn đối với giới đầu tư, người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, qua đó bảo đảm cung-cầu thị trường cân bằng, ổn định.
Sau hơn một thập kỷ, Nghị định 24 đã phát huy vai trò trong việc thành công điều hành thị trường vàng và ổn định tỷ giá, lãi suất. Tuy nhiên, diễn biến thị trường vàng hiện nay đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi nghị định này để phù hợp hơn với thực tế.
Giá vàng biến động ngoài dự kiến
Năm 2023 chứng kiến giá vàng biến động ngoài dự kiến. Đặc biệt, thời gian cuối năm, giá vàng đã tăng cao bất thường; có thời điểm giá vàng đạt mốc 80 triệu đồng/lượng vàng SJC.
Chốt năm 2023, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được mua vào 71 triệu đồng/lượng, bán ra 74 triệu đồng/lượng. Tính chung cả năm 2023, vàng miếng SJC đã tăng 7,2 triệu đồng một lượng ở chiều bán ra, nhưng chiều mua chỉ tăng 5 triệu đồng.
Năm 2023 chứng kiến giá vàng tăng cao bất thường vào cuối năm. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT) |
Đánh giá về việc thực hiện Nghị định 24 và hoạt động quản lý thị trường vàng, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nêu rõ, mục tiêu chống “vàng hóa” nền kinh tế đã đạt được như tinh thần của nghị định này. Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, việc điều chỉnh Nghị định 24 là điều cần thiết.
“Thời gian vừa qua đã chứng minh rằng chống “vàng hóa” nền kinh tế là mục tiêu cần phải làm và chúng ta đã làm khá tốt. Nhưng tôi muốn lưu ý rằng trước đây chúng ta mới chỉ đề cập một mục tiêu, đó là chống “vàng hóa”, còn một mục tiêu nữa mới xuất hiện gần đây và Nghị định 24 có lẽ cũng chưa bao quát được, đó là tránh “tiền tệ hóa” vàng SJC”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết.
Do đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng, vấn đề điều chỉnh Nghị định 24 như thế nào và quản lý thị trường vàng cần phải được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm hai mục tiêu kể trên.
Đi sâu phân tích diễn biến thị trường vàng thời gian gần đây, TS Nguyễn Minh Phong chỉ rõ, những ngày vừa qua, thị trường đã xuất hiện nhiều đỉnh cao về giá vàng "rất nghịch lý, bất thường và cũng rất nguy hiểm".
TS Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo đó, điều này thể hiện ở việc giá vàng trong nước đã tăng cao nhất trong lịch sử, với nhiều yếu tố khách quan liên quan đến giá vàng thế giới. Song vấn đề quan trọng hơn là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới “cao khủng khiếp”, với mức chênh trên dưới 20 triệu đồng/lượng.
“Điều nguy hiểm hơn nữa là trong khi bình thường, chỉ chênh giữa giá vàng trong nước và nước ngoài khoảng 300 nghìn đồng/lượng để bảo đảm bù lại phần thuế nhập khẩu, phí dập vàng miếng, chi phí lưu thông…, nhưng mức chênh lệch này có lúc đã lên tới 20 triệu đồng. Đây là tín hiệu rất nguy hiểm cho thị trường”, TS Nguyễn Minh Phong phân tích.
Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá bán và giá mua cũng là vấn đề đáng lưu tâm. “Trước đây chênh lệch chỉ vài trăm nghìn đồng, với biến động giá trong ngày, nhưng giờ là 5-6 triệu đồng, chênh đến vài triệu. Đây là dấu hiệu cực kỳ bất thường và nguy hiểm của thị trường vàng”, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Bảo đảm bình đẳng giữa các thương hiệu, tránh trục lợi chính sách
Trên thực tế có sự chênh lệch cao giữa giá vàng miếng của các thương hiệu với giá vàng SJC. (Ảnh minh họa: SJC) |
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chỉ rõ, có thực tế chênh lệch cao giữa giá vàng miếng của các thương hiệu với giá vàng SJC.
“Cùng ở Hà Nội, cùng là vàng 9999 nhưng một cây vàng SJC lại chênh lệch giá với các thương hiệu khác ít nhất 13-14 triệu đồng. Lý do tại sao? Phải chăng đó là mặt trái của Nghị định 24 hay đây là những tác nhân tiềm ẩn mới liên quan tới sự trục lợi?”, TS Nguyễn Minh Phong đặt câu hỏi.
Phân tích sâu hơn về thực tế này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, chênh lệch giá giữa vàng SJC và các thương hiệu khác có thể dẫn đến tiêu cực, trục lợi chính sách, bởi nếu không quản lý chặt, có thể dẫn đến việc mua vàng của các hãng khác rồi dập thành vàng của SJC để bán ra “ăn chênh lệch”.
Sửa đổi, bổ sung quy định về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng
Do đó, chuyên gia này đề nghị cần phải có thông tin minh bạch hơn về vấn đề này, thậm chí là án hình sự nếu có đối với tiêu cực, trục lợi.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục quan sát và đề xuất để Nghị định 24 sớm được điều chỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng mang tính thị trường nhiều hơn, minh bạch hơn, liên thông giữa thị trường quốc tế và trong nước nhiều hơn.
Đặc biệt, cần bảo đảm sự bình đẳng giữa các thương hiệu, tránh trục lợi, lợi ích nhóm, tránh hiện tượng “tín điều”, sùng bái vàng SJC và biến vàng SJC trở thành tiền.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, trong Nghị định 24 cho đến nay chưa đưa ra những quy định cụ thể liên quan vàng SJC như mẫu mã, chất lượng hay tuyên bố chính thức về việc vàng SJC có điểm nào ưu việt hơn các hãng khác.
Khẳng định đây là hiện tượng mờ về thông tin, hay nói cách khác - không có thông tin minh bạch về vấn đề vàng SJC, do đó đây cũng là một vấn đề cần phải điều chỉnh trong quá trình sửa đổi Nghị định 24, TS Nguyễn Minh Phong đề xuất.
“Nghị định 24 cần phải điều chỉnh theo hướng vẫn tiếp tục tinh thần tốt là chống đầu cơ, chống kinh doanh vàng ảo và chống lợi ích nhóm, cũng như phân vai, phân nhiệm rõ ràng hơn để bảo đảm sự minh bạch và kiểm soát của Nhà nước về thị trường vàng, tránh những hệ lụy liên quan tới vấn đề trục lợi chính sách từ nghị định này”, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.