Cần thêm nhiều tuyến xe buýt

Ngành Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thu hút hành khách sử dụng phương tiện công cộng bằng xe buýt, trong đó, đẩy mạnh hoạt động của các tuyến xe buýt đưa, đón hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng như các tuyến liên tỉnh. Mục tiêu của thành phố đến năm 2025 là giao thông công cộng đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại của người dân...
0:00 / 0:00
0:00
Hành khách đón xe buýt tuyến 109 ở khu vực làn B ga quốc nội, một trong ba tuyến xe buýt hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Hành khách đón xe buýt tuyến 109 ở khu vực làn B ga quốc nội, một trong ba tuyến xe buýt hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Từ tháng 4/2022, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố đã điều chỉnh lộ trình điểm cuối của hai tuyến xe buýt: Tuyến 152 (Khu dân cư Trung Sơn-Sân bay Tân Sơn Nhất) và tuyến 72-1 (Sân bay Tân Sơn Nhất-Bến xe Vũng Tàu) từ ga quốc tế đến làn B của ga quốc nội. Trước đó, hai tuyến xe buýt này chỉ đỗ đón, trả khách tại khu vực sân bay quốc tế, cho nên hành khách tiếp cận các tuyến xe buýt rất khó khăn.

Mới đây, vào ngày 13/9, Sở Giao thông vận tải cho phục hồi tuyến xe buýt 109 (từ bến xe buýt Sài Gòn đến sân bay Tân Sơn Nhất) sau gần hai năm tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh, nâng tuyến buýt phục vụ hành khách ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thành ba tuyến. Thời gian giãn cách trung bình của mỗi chuyến xe buýt là 20 phút.

Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 22/9, anh Nguyễn Đức Lanh vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh bước ra ngoài cổng liền vào làn B sân bay quốc nội đón xe buýt đi về trung tâm thành phố. Anh Lanh lên xe tuyến 109 cùng với chiếc va-li nhỏ gọn.

"Biết thông tin Công ty Phương Trang đưa vào khai thác tuyến xe buýt đưa khách từ sân bay về thành phố, giá vé hợp lý, 15 nghìn đồng/vé, trong khi tôi cũng quen sử dụng hãng xe này bèn chọn đi thử".

Một số hành khách sử dụng xe buýt tại sân bay chia sẻ, việc bố trí xe buýt đón khách tại làn B sân bay quốc nội đã tạo điều kiện cho khách nhận biết và tiếp cận xe buýt dễ hơn so với trước đây. Tuy nhiên, hầu hết đều than phiền về thời gian xe buýt dừng đón hành khách chỉ 3 phút là quá ít, không đủ để đưa hành lý lên xe cũng như tiếp cận chuyến xe. Mặt khác, hầu hết hành khách di chuyển đều mang theo hành lý cồng kềnh trong khi cửa lên khá cao, trên xe không có khu vực riêng để hành lý là điểm khá bất tiện…

Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố, hằng ngày có ba tuyến xe buýt hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, phục vụ gần 1.900 lượt hành khách đi lại. Trong đó, việc nối kết thêm vị trí đón, trả khách của các tuyến xe buýt tại ga quốc nội đã tác động tích cực đến sản lượng vận chuyển hành khách bình quân trên các tuyến. Riêng tuyến xe buýt số 152 (Khu Dân cư Trung Sơn-Bến Thành-sân bay Tân Sơn Nhất), hành khách đã tăng 63,5% so với thời điểm trước đây.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý tại sân bay đã bố trí bốn ô dừng tại đầu làn B và cuối làn B để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách; đồng thời bố trí các dãy ghế, các bảng thông tin chi tiết lộ trình tuyến, giá vé, thời gian hoạt động, thời gian giãn cách của tuyến tại các vị trí… giúp hành khách dễ dàng nhận biết.

Ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang, đơn vị đang khai thác tuyến buýt 109, nhận định, khu vực làn B được bố trí cho xe buýt và xe ô-tô cá nhân hoạt động, trong đó xe buýt chỉ được dừng đỗ 3 phút trong khi xe ô-tô "chiếm dụng" chỗ khá lâu. Đây là điểm hạn chế khiến lái xe buýt khó đưa xe vào bên trong để đón hành khách. Đơn vị quản lý tại sân bay nên tăng thêm thời gian để xe buýt đỗ (5-7 phút), đồng thời xem xét bố trí cho xe buýt vào làn A (làn dành cho ô-tô đưa hành khách vào sân bay) đón khách vì làn này rất vắng, hạn chế tình trạng ùn ứ tại làn B.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng cho biết, việc kịp thời tăng thêm các tuyến xe buýt tại sân bay cũng như phối hợp điều chỉnh điểm đón, trả khách phù hợp hơn từ phía Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn ứ phương tiện, hành khách bị "chặt chém", chèo kéo như thời gian vừa qua. Sở cũng đang nghiên cứu mở thêm một số tuyến xe buýt vòng, đưa đón hành khách từ trong sân bay ra ngoài, đồng thời dừng ở một số trạm chung quanh đó để hành khách có thể nối tiếp hành trình bằng các phương tiện khác hoặc xe buýt khác đến địa điểm mong muốn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt-Đức (Trường đại học Việt-Đức) đánh giá, hiện tại, thành phố chỉ có hai tuyến xe buýt kết nối vào trung tâm mà cự ly di chuyển khá ngắn, tính cạnh tranh kém. Xe buýt kết nối vào sân bay phải cần có cự ly trung bình và dài, kết nối sân bay với khu vực vùng ven và giáp ranh thành phố như Hóc Môn, Củ Chi, Biên Hòa, Đồng Nai, Long An… để tăng thêm lượng hành khách đi lại. Tuyến xe buýt sân bay cũng cần phải kết nối đến các khách sạn, trung tâm thương mại lớn của thành phố để đưa hành khách về những nơi này thay vì chỉ về điểm cuối là bến xe buýt trung tâm… ■

Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố, trong tháng 10, Trung tâm sẽ điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt số 103 Bến xe Chợ Lớn-Bến xe Ngã tư ga vô sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách về các quận: 5, 10, Tân Bình và Gò Vấp. Cùng với đó, sẽ phối hợp các đơn vị vận tải tổ chức khôi phục hoạt động các tuyến xe buýt số 61-6 và 61-4 kết nối hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Dương; tuyến 70-3 kết nối thành phố đi Mộc Bài (Tây Ninh).