Cần thêm nguồn lực để phát triển bền vững

Theo quy định, các xã khu vực III, khu vực II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sau khi được công nhận chuẩn nông thôn mới sẽ xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng với các xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày có quyết định công nhận. Tuy nhiên trên thực tế, các xã này chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và vẫn rất cần nguồn lực hỗ trợ để phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình anh Hoàng Văn Bình ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ thoát nghèo nhờ được đầu tư bò giống.
Gia đình anh Hoàng Văn Bình ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ thoát nghèo nhờ được đầu tư bò giống.

Bằng các nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị và phấn đấu vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đến nay tỉnh Thái Nguyên có 118/126 xã (đạt tỷ lệ 93,65% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,02%. Các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đang được các cấp, các ngành nỗ lực triển khai; việc kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên để đáp ứng yêu cầu về tiến độ; kịp thời uốn nắn, khắc phục hạn chế để các nguồn lực đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sau khi được công nhận chuẩn nông thôn mới sẽ xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng với các xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày có quyết định công nhận. Nhưng trên thực tế, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống còn hạn chế, sản xuất

theo chuỗi giá trị chưa bền vững, thu nhập của người dân còn thấp... nên cấp ủy, chính quyền và người dân mong muốn tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư cho đến hết giai đoạn 2021-2025 để củng cố, phát huy hiệu quả đã đầu tư, duy trì động lực phát triển bền vững. Điển hình là xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ có địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70% dân số toàn xã, dự kiến cuối năm 2024 sẽ đạt nông thôn mới, nhưng thu nhập bình quân mới đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm, hạ tầng thiết yếu còn bất cập.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường chia sẻ: “Điều mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã trăn trở là các dự án 3, 4 và 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không tiếp tục thực hiện khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong khi người dân thoát nghèo chưa bền vững, thu nhập bình quân còn thấp, bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em chưa được giải quyết triệt để cho nên rất cần duy trì đầu tư để tiếp sức cho người dân vươn lên”.

Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên được giao triển khai nhiều nội dung, mô hình của dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự án nêu trên sẽ không tiếp tục thực hiện khi xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này sẽ khiến mô hình được đầu tư xây dựng trước đó không có kinh phí duy trì nên kém phát huy hiệu quả, có nguy cơ lãng phí. Qua đó Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị, đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu đã được thụ hưởng Dự án 8 từ năm đầu giai đoạn (năm 2022), đến năm 2023, năm 2024 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì đề nghị tiếp tục được thụ hưởng các hoạt động của Dự án 8 đến hết giai đoạn I (năm 2025).

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đoàn Thị Hảo cho biết: “Trong quá trình giám sát, khảo sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là rất nhiều cử tri ở các xã vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới mong muốn các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét tiếp tục duy trì thực hiện các dự án 3, 4 và 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho đến hết giai đoạn 2021-2025 nhằm củng cố, duy trì kết quả đầu tư, thêm nguồn lực để các xã này phát triển bền vững”.

Vừa qua, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét duy trì thực hiện các dự án 3, 4 và 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đến hết năm 2025.