Cần thêm chế tài xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố quy định việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại những công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Đây là chế tài cần thiết để xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. (Ảnh MINH HOA)
Lực lượng chức năng cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. (Ảnh MINH HOA)

Thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Số công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm theo từng năm. Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi năm trên địa bàn thành phố có từ 17.000 đến 20.000 công trình xây dựng các loại được cấp phép. Năm 2016, tỷ lệ công trình vi phạm chiếm gần 14%, thì năm 2017 giảm còn gần 11%, năm 2018 còn 5,28%, năm 2019 còn hơn 3%... và đến năm 2023 đã giảm xuống còn khoảng 1,67%. Cùng với đó, các công trình vi phạm nổi cộm, gây bức xúc dư luận ngày càng ít và nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài được xử lý dứt điểm. Ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của người dân, doanh nghiệp được nâng cao.

Tuy nhiên, thực tế vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra với nhiều chiêu trò tinh vi của các đối tượng, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp; đồng thời một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước có biểu hiện buông lỏng, tiếp tay, cố tình kéo dài thời gian xử lý để hợp thức hóa vi phạm... Một số địa bàn có tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng ở mức cao như quận Cầu Giấy hơn 14%, huyện Chương Mỹ hơn 9%, quận Hoàn Kiếm hơn 7%, huyện Sóc Sơn gần 11%...

Đáng chú ý, nhiều trường hợp chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng sau khi bị lập hồ sơ xử lý hành chính vẫn tìm đủ mọi cách để qua mắt lực lượng chức năng. Trong khi đó, lực lượng quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn còn mỏng, dẫn đến khó kiểm soát chặt chẽ công trình vi phạm, khiến người dân bức xúc.

Anh Nguyễn Duy Mạnh, sống tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, các chủ đầu tư có công trình vi phạm tìm đủ mọi cách để thi công, nhất là xây dựng công trình vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết để qua mắt lực lượng chức năng. Việc thi công vào ban đêm gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân chung quanh, nhưng hàng xóm rất ngại thông báo với lực lượng chức năng, hoặc lực lượng chức năng xuống kiểm tra thì chủ đầu tư tắt điện, khóa cổng công trình, đợi khi lực lượng chức năng đi khỏi lại tiếp tục thi công. Vì thế, việc cắt điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng là cần thiết, hiệu quả.

Theo đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các trường hợp công trình bị áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước gồm: Xây dựng sai quy hoạch; xây dựng không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng; xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành; thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy, nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền; thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy được thẩm duyệt đã được cơ quan, người có thẩm quyền kiến nghị, yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền mà đã đưa vào hoạt động, đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành; công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.

Dự kiến, các nội dung này sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp cuối năm 2024.