Mặc dù ngày nay với những tiến bộ vượt bậc trong ngành vi sinh học, việc tiêu diệt các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng âm hộ – âm đạo như vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm không còn là vấn đề khó khăn, nhưng có một thực tế là tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh và tái phát theo chu kỳ vẫn tiếp tục gia tăng.
Bệnh phụ khoa cũng có thể gây đau bụng!
Với phụ nữ, việc quan tâm đúng mức đến việc phòng ngừa bệnh phụ khoa là hết sức quan trọng. Các chuyên gia phụ khoa đều khuyến cáo phụ nữ từ độ tuổi 18 trở lên nên đi khám phụ khoa ít nhất mỗi năm 2 lần. Việc thăm khám rất đơn giản, không gây đau và rất hiệu quả trong việc phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm hay tiền ung thư.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, tại Bệnh viện Từ Dũ, cứ 100 người khám phụ khoa thì tới 50% trường hợp bị viêm nhiễm. Tỷ lệ nhiễm khá cao nhưng điều đáng mừng là phần lớn chị em đã ý thức được bệnh lý và đi khám.
Cũng theo bác sĩ Thủy, trong cuộc sống công nghiệp hiện đại cũng xuất hiện nhiều bệnh lý hơn. Việc sử dụng nhiều loại dược phẩm, mỹ phẩm, xà phòng khác nhau làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Những bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gây ngứa, khó chịu, lây lan ra âm đạo đến cả bụng và lưng. Trường hợp xấu nhất là sẽ dẫn đến ung thư hoặc vô sinh.
Các bác sĩ phụ khoa cho biết, vệ sinh phụ nữ kém là một trong những nguyên nhân chính gây nên nhiễm trùng âm hộ – âm đạo bao gồm vệ sinh lúc quan hệ tình dục, vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh lúc mang thai… Có rất nhiều phụ nữ không nhận ra rằng những thói quen hàng ngày của họ có thể khiến họ dễ bị viêm nhiễm như: dùng xà phòng thường, thường xuyên thụt rửa âm đạo hay giấy vệ sinh không đủ tiêu chuẩn. Mùa nắng nóng mặc quần jeans, quần lót, quần thể thao bó sát cũng có thể tạo ra một môi trường ẩm ướt thuận lợi cho nấm phát triển, gây viêm nhiễm cho phụ nữ.
Ngoài ra, việc sử dụng bừa bãi các thuốc kháng sinh, corticoid, thuốc ngừa thai… làm thay đổi môi trường acid của âm đạo cũng góp phần làm gia tăng sự viêm nhiễm do vi khuẩn gây bệnh có điều kiện phát triển vượt qua cả sức tự bảo vệ của cơ thể.
Sử dụng dung dịch vệ sinh đúng cách
Rất nhiều phụ nữ đến bệnh viện khám bệnh đã than rằng, vì sao tôi làm vệ sinh cơ thể rất tốt, dùng cả dung dịch vệ sinh hàng ngày và trong chu kỳ kinh nguyệt mà vẫn bị viêm nhiễm phụ khoa. Câu trả lời của bác sĩ Thủy là làm vệ sinh và sử dụng dung dịch vệ sinh phải đúng cách thì mới đưa tới hiệu quả tốt. Sau mỗi lần đi tiêu, tiểu, phụ nữ phải rửa sạch và lau khô âm đạo.
Nếu quá lạm dụng dung dịch vệ sinh bằng cách thụt rửa âm đạo hằng ngày thì sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo, “lợi bất cập hại” ở chỗ diệt luôn cả các vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Dung dịch vệ sinh phụ nữ phải có tác dụng rửa sạch nhẹ nhàng, phục hồi và duy trì độ acid tự nhiên ở âm đạo và duy trì sự bảo vệ tự nhiên chống lại các sinh vật gây hại.
Đặc biệt, một sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ lý tưởng sẽ có chứa acid lactic là một thành tố quan trọng trong môi trường âm đạo, giúp duy trì độ pH acid trong âm đạo, qua đó ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thu Thủy cũng khuyên chị em không nên sử dụng đồ lót làm từ chất tổng hợp, nên cẩn thận trong quan hệ tình dục và việc sử dụng thuốc tránh thai.
Chị em nên có cuốn sổ theo dõi bệnh phụ khoa và cứ 3-6 tháng cần tới bệnh viện để tầm soát những căn bệnh mà nhiều người vốn coi thường như huyết trắng, viêm ngứa âm đạo, từ đó phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm như viêm tắc vòi trứng (dẫn tới thai ngoài tử cung), ung thư cổ tử cung, vô sinh…