Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2023, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 406 mô hình sản xuất, 68 hợp tác xã và khoảng 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 70% tổng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Trong lĩnh vực y tế, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển y tế thông minh, đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin hiện đại tại bộ phận một cửa, cung cấp 131 dịch vụ công.
Trong đó, có sáu dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 125 dịch vụ công trực tuyến một phần. 100% số bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); 90,2% số bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 65,9% số bệnh viện đã trang bị hệ thống RIS-PACS; tất cả các bệnh viện có website; năm bệnh viện triển khai Bệnh án điện tử; 88% số đơn vị đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, thực hiện Chương trình số 07 của Thành ủy, Sở đã tham mưu thành phố và thực hiện nhiều giải pháp Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.
Trong đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, dù triển khai trên quy mô, phạm vi lớn (20 sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường) và phức tạp về yêu cầu nghiệp vụ (với 1.741 thủ tục hành chính, các yêu cầu chức năng mới, khó, theo quy định mới), nhưng đến nay, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu người sử dụng.
Hà Nội đã cung cấp 1.191 thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố; đồng thời, thực hiện kết nối với hơn 20 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, nhất là kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quốc Hà, sau ba năm triển khai thực hiện Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội, đến nay, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025 đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng GRDP. Đến nay, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, dự báo mức đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội năm 2023 là 62,86%.
Hay với chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đạt từ 7-7,5%, bình quân ba năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động đã đạt 4,8%, cao hơn bình quân của cả nước (4,3%).
Chương trình cũng đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt hơn 50%. Hiện nay, theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo PII với 62,86 điểm.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng do đây là một chương trình mới, lần đầu được Thành ủy triển khai, có nhiều nội dung mang tính chất bao quát, bao trùm các ngành, lĩnh vực, cho nên quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị còn chưa thật sự chủ động, quyết liệt, chưa nghiên cứu các nội dung của Chương trình để đề xuất các nhiệm vụ triển khai.
Nguồn kinh phí dành cho triển khai Chương trình còn hạn chế, gây khó khăn trong công tác triển khai kế hoạch. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn thấp, chưa có bước đột phá.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng của Chương trình số 07 là góp phần để tinh thần đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số lan tỏa đến cộng đồng và mỗi người dân. Đây không phải là xu hướng mà là yêu cầu tất yếu.
Thực tế đã chứng minh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không phụ thuộc vào đơn vị có tiềm lực tài chính, hay đơn vị gần hay xa trung tâm, mà quan trọng là quyết tâm của người đứng đầu. Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đề nghị, cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, lựa chọn các mô hình, kết quả tiêu biểu liên quan đến chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp… để biểu dương, áp dụng, nhân rộng kịp thời.
Đặc biệt, cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để cụ thể hóa các nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực khoa học-công nghệ để tham mưu, đóng góp cho thành phố.