Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Luật Thống kê được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/11/2015, hiệu lực thi hành ngày 01/7/2016. Sau 05 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê. Thông tin thống kê đóng góp tích cực vào việc giúp Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia trong bối cảnh mới, nhất là là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số, sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Nhất là, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây. Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện nay chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn đang vận động của đời sống kinh tế - xã hội. Một số chỉ tiêu thống kê trong danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần được sửa đổi tên hoặc loại bỏ để phù hợp với thực tiễn và các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Góp ý vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Luật thống kê hiện nay chưa có quy định rõ về chế độ kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước và kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước.
Nhiều nhà quản lý cho rằng tính công khai, minh bạch của số liệu thống kê rất hạn chế. Chưa có những quy định cụ thể về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê và sử dụng thống kê, thông tin thống kê ngoài hệ thống thống kê nhà nước. Chưa có cơ chế nhà nước đặt hàng cho các tổ chức mà do Đảng, Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ thực hiện thống kê. Thí dụ: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên minh hợp tác xã. Phòng thương mại, công nghiệp Việt Nam chưa có cơ chế ủy thác đặt hàng cho những tổ chức cung cấp các số liệu thống kê. Cơ quan nhà nước chưa phát triển dịch vụ thống kê và cung cấp thông tin thống kê. Chưa rõ trách nhiệm cơ quan nào cung cấp thông tin thống kê. Chưa có chỉ tiêu phản ánh tính liên kết vùng, ngành, kinh tế vùng. Hiện nay, chúng ta đang sống trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão, tuy nhiên, Việt Nam vẫn dùng kỹ thuật thống kê qua điều tra, chọn mẫu… Việc này dẫn đến những sai số khá lớn trong các báo cáo số liệu giữa các bộ, ngành.
Với những lý do trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần phải sửa tổng thể Luật thống kê chứ không dừng lại ở việc sửa đổi Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Trong quá trình thảo luận, còn nhiều ý kiến trái chiều, các đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung, sửa đổi nhiều vấn đề.
Giải trình, làm rõ về một số vấn đề các đại biểu còn băn khoăn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: căn cứ vào điều 18 Luật Thống kê, xuất phát từ quy định đề xuất nghiên cứu sửa phụ lục, danh mục, quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Chính phủ đã tổ chức tổng kết tình hình thực hiện các chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê năm 2015; nghiên cứu danh mục chỉ tiêu thống kê của một số nước; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, nhận được sự thống nhất cao của các bộ, ngành. Tuy nhiên, sau báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và những gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá lại toàn bộ Luật Thống kê để sửa đổi một lần, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng sau 5 năm thực hiện Luật Thống kê đã phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải đổi mới công tác thống kê Việt Nam. Công tác thống kê, chỉ tiêu thống kê cần phải tương thích, phù hợp với thông lệ quốc tế. Diễn biến của đời sống kinh tế xã hội diễn ra nhanh, phong phú cần có thông tin kịp thời hơn để phục vụ quản lý, điều hành, đặc biệt phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải thay đổi phương thức hoạt động thống kê, nhất là sửa hệ thống chỉ tiêu thống kê, thay đổi phương pháp tính, cách thức thu thập số liệu, công bố thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ số trong hoạt động thống kê.
Tuy nhiên, do đề xuất sửa đổi Phụ lục các chỉ tiêu thống kê của Chính phủ còn nhiều bất cập, chưa tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện nay như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của Ủy ban Thường vụ hôm nay. Đồng thời, do nhiều nội dung chưa được làm rõ, thời gian từ nay đến kỳ họp Quốc hội cũng không nhiều, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lại Chính phủ nội dung cuộc họp thường vụ hôm nay, khẩn trương phối hợp chặt chẽ Ủy ban Kinh tế làm rõ các vấn đề trong Báo cáo thẩm tra, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và báo cáo lại Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10. Nếu chuẩn bị tốt, bảo đảm chất lượng sẽ đưa ra báo cáo tại Quốc hội.
Trong trường hợp chưa thể hoàn thiện dự án luật, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xin rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tiếp tục nghiên cứu và trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.