Cần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP để phù hợp thực tế

Quá trình triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP đã có một số vướng mắc, bất cập, cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

Người lao động tại Công ty May Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).
Người lao động tại Công ty May Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).

Những vướng mắc từ thực tế

Kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết số 68/NQ-CP) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 25/8, đã hướng dẫn, hỗ trợ cho hơn 13,5 triệu người lao động và đối tượng khác, hơn 375.800 người sử dụng lao động với khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội thông báo khoảng 375.200 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch Covid-19. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45 nghìn người lao động. Tổng số tiền tạm dừng đóng hơn 293,6 tỷ đồng.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP để phù hợp thực tế -0
Người dân nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP tại Trà Vinh (Ảnh: Minh Khởi).

Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp đến với khoảng 2,12 triệu người lao động với số tiền gần 3.290 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ nhiều nhất tại các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong đó, chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hơn 174,7 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc hơn 4,3 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho F0, F1 hơn 117,8 tỷ đồng, hỗ trợ gần 1,2 triệu người lao động tự do với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 700 nghìn đối tượng đặc thù với kinh phí hơn 731 tỷ đồng; 1.050 viên chức hoạt động nghệ thuật và 400 hướng dẫn viên du lịch hơn 4,1 tỷ đồng; gần 26.800 hộ kinh doanh với gần 74,5 tỷ đồng.

Đã có gần 900 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 5 đơn vị. Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Quyết định 23/QĐ-TTg), chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động có mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động một tháng.

Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng mỗi người. Nguồn kinh phí dự kiến khoảng 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thời điểm triển khai chính sách từ ngày 1/7/2021 đến hết 31/12/2022, với hồ sơ nộp từ ngày 1/7/2021 đến hết 30/6/2022.

Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân số tiền 185,5 tỷ đồng để trả lương cho 53.581 lượt người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm. Kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao, bởi một số nguyên nhân sau.

Trước hết, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam, một số địa phương khu vực duyên hải miền trung và TP Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Do hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 và tâm lý lo ngại tiếp xúc nơi đông người nên việc lập hồ sơ ban đầu để đề nghị hưởng chính sách còn chậm.

Bên cạnh đó, người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu hết các chính sách, chưa tích cực, chủ động gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương.

Đồng thời, vướng mắc cũng phát sinh do một số quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Vì vậy, cần thiết phải ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 23/QĐ-TTg.

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung

Theo tờ trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Tại điểm 3 mục II, sửa đổi điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu: giảm từ 10% xuống 5%”. Cụ thể, “Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 5% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020”.

Tại điểm 4 mục II sửa đổi điều kiện và bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Tại điểm 5 mục II, sửa đổi, bổ sung đối tượng phải điều trị Covid-19, trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hưởng chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Tại điểm 6 mục II, sửa đổi điều kiện và bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.”

Tại điểm 10 mục II sửa đổi, bổ sung đối tượng hộ kinh doanh trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg được hỗ trợ.

Tại tiết a điểm 11 mục II cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động khó có nợ xấu tại tổ chức tiến dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” để được hưởng chính sách cho vay ngừng việc.

Tại tiết b điểm 11 mục II, cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động khó có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn”, bổ sung đối tượng người sử dụng lao động có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg được hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất.

Tại điểm 12 mục II, bổ sung nguyên tắc: “Ngân sách trung ương hỗ trợ 40% chi cho các đối tượng trên đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách”.