Làm rõ vướng mắc về bảng biển, sắc phong
Ông Trần Lê Thịnh, trưởng họ Trần Lê cho biết: Quần thể di tích Phủ Dầy được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1975, gồm gần 20 điểm di tích đền, phủ, chùa, lăng gắn liền sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trong quần thể, có ba di tích chính, gồm phủ Tiên Hương và lăng Liễu Hạnh (ở thôn Tiên Hương) và phủ Vân Cát (ở thôn Vân Cát).
Từ tên gọi qua nhiều thời kỳ là “phủ Vân Cát”, đầu năm 2018, ông Trần Văn Cường, thủ nhang phủ Vân Cát tự ý tiến hành treo nhiều biển, bảng, băng-rôn có nội dung “Phủ Dầy - Phủ chính Vân Cát (nơi Thánh Mẫu giáng sinh)” trước phủ và trên các con đường dẫn vào phủ từ quốc lộ 10 hay quốc lộ 38B. Việc này không có sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Theo ông Trần Lê Thịnh, căn cứ vào gia phả họ tộc Trần Lê, dòng họ này ở thôn Tiên Hương là hậu duệ nhiều đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Dòng họ Trần Lê từ lâu đã lưu giữ, trông coi gia phả, lăng tẩm, từ đường, bia đá… liên quan nguồn gốc hậu duệ Thánh Mẫu. Thôn Vân Cát không có dòng họ Trần Lê, nên việc nhận là “nơi Thánh Mẫu giáng sinh” là không đúng sự thật.
Ông Thịnh cho rằng, theo lịch sử, khái niệm “phủ chính” thuộc về phủ Tiên Hương. Trong bia đá, bát nhang, lộc bình, con dấu đều ghi rõ hai từ này. Tại tấm bia thuộc đời vua Duy Tân của nhà Nguyễn, có dòng “Phụng sự tu lý, Tiên Hương phủ chính linh từ”. Trên con dấu của phủ cũng có hai từ “phủ chính”. Vậy, việc ông Trần Văn Cường cho treo bảng, biển “Phủ chính Vân Cát” cũng không có cơ sở.
Theo đại diện dòng họ Trần Lê, ngoài chuyện tên gọi, phủ Vân Cát còn đưa ra “18 sắc phong mới” để thu hút du khách. Nếu như phủ Tiên Hương còn lưu giữ được bảy trong số 15 đạo sắc phong cổ của các đời vua ban tặng Thánh Mẫu, được Bảo tàng tỉnh Nam Định hỗ trợ bồi dán, bảo quản, thì 18 đạo sắc phong của phủ Vân Cát chưa hề xuất hiện trước đây, được viết không đúng quy chuẩn về hình thức, câu chữ, con dấu.
Làm việc với phóng viên, ông Trần Văn Cường, thủ nhang phủ Vân Cát thừa nhận việc tự ý đặt tên “phủ chính”. Theo ông Cường, từ xưa hai phủ đều là những di tích quan trọng của Quần thể di tích Phủ Dầy, không phân biệt chính - phụ. Tuy nhiên do hơn 10 năm nay, phủ Tiên Hương treo bảng, biển “phủ chính”, ông cũng phải làm vậy để “đòi lại công bằng”.
Về cụm từ “nơi Thánh Mẫu giáng sinh”, ông Cường cho rằng từ hàng trăm năm trước, hai thôn Vân Cát, Tiên Hương là một (thuộc xã An Thái, huyện Thiên Bản), đến đầu thời nhà Nguyễn mới tách ra, xây phủ riêng thờ Thánh Mẫu. Vì vậy, thôn Vân Cát cũng là nơi Thánh Mẫu giáng sinh.
Về 18 đạo sắc phong, ông Cường cho biết: “Trước năm 2013, khi tôi làm thủ nhang của phủ Vân Cát, cha tôi (ông Trần Văn Bái, làm thủ nhang từ năm 2007 đến năm 2013 - PV) đã thu thập các tài liệu cổ, phục chế lại 18 đạo sắc phong đều đã thất lạc trong lịch sử. Sau đó, 18 đạo sắc phong được phục chế này chỉ được lưu giữ trong phủ để thờ. Giữa năm 2018, do đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) Nam Định yêu cầu kiểm kê các di sản, đồ vật, tôi mới cung cấp”. Ông Cường khẳng định 18 đạo sắc phong đều có giá trị lịch sử, văn hóa, không phải “tự chế ra” để thu hút du khách.
Sự chậm trễ của cơ quan chức năng
Được biết, dòng họ Trần Lê đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền và cơ quan chức năng về việc phủ Vân Cát tự ý đặt bảng biển sai, và đề nghị làm rõ giá trị 18 đạo sắc phong. Vào các ngày 3-8 và 11-10-2018, Thanh tra Bộ VHTT và DL có hai văn bản yêu cầu Sở VHTT và DL Nam Định xem xét, xử lý các nội dung trong đơn của dòng họ Trần Lê.
Ngày 15-6-2018, Sở VHTT và DL Nam Định ra văn bản trả lời dòng họ Trần Lê về việc bảng, biển của phủ Vân Cát. Văn bản nêu rõ: “Yêu cầu ông Trần Văn Cường tháo dỡ biển tên chỉ dẫn, băng-rôn và các ấn phẩm quảng cáo ghi chưa đúng theo quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21-2-1975 (của Bộ Văn hóa khi đó, công nhận Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật phủ Dầy là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia - PV)”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Nhân Dân điện tử ở thời điểm cuối tháng 1-2019, tất cả bảng, biển, băng-rôn tự ý đặt nội dung của phủ Vân Cát vẫn tồn tại ngang nhiên quanh khu vực phủ.
Trao đổi về việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản Đỗ Văn Kỳ cho biết: Lãnh đạo huyện đã xuống làm việc ở phủ Vân Cát yêu cầu thực hiện tháo dỡ bảng, biển. Tuy nhiên, ông Trần Văn Cường không chấp nhận, và chỉ đồng ý tháo dỡ khi phủ Tiên Hương bỏ khái niệm “phủ chính”. Theo ông Kỳ, ngày 15-5-2018, UBND huyện Vụ Bản có công văn gửi ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTT và DL Nam Định đề nghị giúp đỡ huyện khảo sát, nghiên cứu và làm rõ tên gọi từng di tích trong quần thể Phủ Dầy, nhằm “chấm dứt tình trạng tự ý đặt tên di tích không đúng với lịch sử, đồng nghĩa với việc đánh lừa du khách”. Thực tế, đoàn công tác của Sở VHTT và DL đã thực hiện chuyến khảo sát, nghiên cứu từ tháng 7-2018, nhưng đến nay vẫn không có kết luận. “Huyện cần căn cứ đủ lý, đủ tình để xử lý vụ việc, do liên quan tâm linh là lĩnh vực nhạy cảm”, ông Kỳ nói.
Theo đại diện dòng họ Trần Lê, đơn kiến nghị làm rõ 18 đạo sắc phong ở phủ Vân Cát cũng chưa được Sở VHTT và DL Nam Định hồi đáp.
Phóng viên Nhân Dân điện tử đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở, nhưng ông Kiên không trả lời.
Năm 2017, Phủ Dầy vinh dự được chọn làm nơi tổ chức lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để đáp ứng nhu cầu của du khách trong mùa lễ hội sắp tới, đề nghị Sở VHTT và DL Nam Định sớm xử lý các vấn đề vướng mắc, kiến nghị chung quanh quần thể di tích, bảo đảm phát huy nét đẹp về lịch sử, văn hóa của tỉnh.