Những năm trước đây, khi quốc lộ 5A chưa được cải tạo, cầu Phú Lương là cây cầu huyết mạch trọng yếu phục vụ giao thông, nối liền thủ đô Hà Nội với TP Hải Phòng và huyện Thanh Hà, Nam Sách vào TP Hải Dương và ngược lại. Vào thời điểm đó, thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông.
Từ năm 1997, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành và sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được cải tạo, nâng cấp và ngày càng phát triển hiện đại.
Năm 1999, cầu Phú Lương mới được xây dựng và đưa vào sử dụng đã chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên quốc lộ 5A nhưng cầu Phú Lương cũ vẫn đóng vai trò quan trọng phục vụ nhu cầu giao thông của nhân dân hai huyện Nam Sách, Thanh Hà vào thành phố Hải Dương.
Do cầu Phú Lương cũ không còn phục vụ giao thông đường bộ, đã được chuyển giao cho ngành đường sắt quản lý và do kinh phí duy tu, bảo dưỡng hạn hẹp, cầu được xây dựng đã lâu, trọng tải yếu; nên những tấm bê tông ở giữa cầu đã được tháo bỏ.
Phía giữa cầu, chỉ còn trơ lại những thanh ray cho tầu hoả chạy qua, hai làn lan can rộng khoảng 1,1 m dành cho xe đạp, xe máy và người đi bộ. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông ở cây cầu này. Nếu như trước kia Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Hải Dương phải bố trí nhân lực để giải quyết ùn tắc trên cầu thì hiện nay rất vất vả để giải quyết tai nạn và chống ùn tắc vào giờ cao điểm, lúc sáng sớm.
Mỗi ngày có hàng vạn lượt người, hàng ngàn phương tiện và hàng hoá vận chuyển qua cầu Phú Lương cũ. Mặc dù lưu lượng phương tiện qua lại đã giảm mạnh, chủ yếu là xe đạp và xe máy nhưng ách tắc vẫn xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm từ 5-7 giờ sáng.
Với đặc thù là một huyện trọng yếu chuyên cung cấp ước tính tới 30% nông sản, thực phẩm cho toàn thành phố Hải Dương nên ngay từ 5 giờ sáng hàng ngày, từng đoàn xe thồ lũ lượt nườm nượp chở những lồ sọt rau quả rất nặng từ Thanh Hà qua cầu Phú Lương cũ sang nội thành cho kịp buổi chợ sớm.
Tất cả xe máy, xe đạp, xe thồ và người bộ hành nối đuôi nhau đi trên lan can cầu dài 400 m. Lan can cầu vốn đã chật hẹp lại lát bằng gỗ cập kênh, gồ ghề nên khi lưu thông, chở nặng rất khó có thể đi nhanh, càng tắc. Mùa thu hoạch vải, vào năm học rất đông học sinh hai huyện ra thành phố học, công nhân đi làm, lượng người qua cầu tăng nên mức độ ách tắc càng nghiêm trọng.
Mặc dù hai đầu cầu đã được nhân viên đường sắt đóng kín khi không có tàu chạy qua, nhưng nhiều người không đủ kiên nhẫn khi đến giữa cầu đã vác xe chạy trên đường ray phía trong cầu để thoát tắc rất nguy hiểm, có trường hợp đã bị rơi xuống sông. Vào thời điểm này, khi có tầu sắp qua, lực lượng gác chắn hai bên đầu cầu rất vất vả mới đảm bảo được an toàn. Hiện tượng ách tắc chủ yếu chỉ diễn ra một bên cầu, bởi chiều về hạn chế ùn tắc vì những người bán hàng về khác thời điểm, xe thồ hết hàng nên việc di chuyển qua cầu cũng nhanh chóng hơn.
Tình trạng ách tắc giao thông hàng ngày vẫn diễn ra đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra. Nếu như trước kia ô tô, mô tô từ Thanh Hà, Nam Sách thường tập trung qua cầu Phú Lương cũ là vào luôn nội thành Hải Dương, thì nay phải đi theo tỉnh lộ 190 A, qua xã Nhân Nghĩa, ra ngã ba Hàng để ra quốc lộ 5 hoặc theo tỉnh lộ 190B vòng ra cầu Lai Vu xuyên qua km 62, quốc lộ 5.
Việc đi đường vòng vo của ô tô, mô tô không chỉ gây ra hao tổn chi phí cho các loại phương tiện, gia tăng mật độ phương tiện lưu thông trên quốc lộ 5 vốn rất đông, lại tạo thêm những pha giao cắt khi phương tiện băng qua đường rất nguy hiểm. Mặt khác, do mặt đường 190A khá nhẵn và cao hơn mặt đường quốc lộ 5, khi các phương tiện băng qua đường tàu sang đường quốc lộ thường lao với tốc độ cao, cắt ngang đột ngột hướng lưu thông của các phương tiện, nếu người điều khiển phương tiện không làm chủ sẽ dẫn đến tai nạn.
Nhiều người dân trong địa bàn ngại đi lại qua cầu Phú Lương cũ vì tắc, đã chuyển sang ra cầu Phú Lương mới, nhưng đi trái làn đường để vào TP Hải Dương nên nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Ngày 21-12-2005, tại km 52+ 100, quốc lộ 5A, xe ô tô BKS 29S - 8539 do Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1969; trú quán tại ái Quốc, Nam Sách (Hải Dương) điều khiển hướng Bến Hàn, quốc lộ 5A rẽ phải đi Hà Nội va chạm với xe đạp cùng chiều do Phạm Văn Ngọc, sinh năm 1975 trú quán tại Gia Xuyên, Gia Lộc, Hải Dương làm anh Ngọc chết.
Ngày 7-1-2006, xe ô tô BKS 16H-8317 do Nguyễn Đình Quân ở Ngô Quyền, Hải Phòng chạy hướng Hà Nội, Hải Phòng va vào ông Dương Văn Viễn, 73 tuổi ở phường Gia Viên, Ngô Quyền, Hải Phòng đang chạy xe đạp điện ngược chiều, rẽ trái làm ông Viễn chết.
Một vụ thương tâm khác Bùi Khắc Hiến ở công ty bảo hiểm Bảo Việt, Hải Dương điều khiển xe mô tô BKS 34F5- 5202 hướng hải Phòng, Hà Nội đâm phía sau rơ moóc 29R-0641, đều kéo ô tô 29N- 1730 do Phạm Bá Xuân, sinh năm 1963, trú quán tại Hồng Lý, Vũ Thư, Thái Bình điều khiển làm ông Hiến tử vong...
Đã có nhiều phương án được đưa ra như mở rộng lan can cầu Phú Lương cũ tối thiểu 1,7m, lát bề nhẵn vững chắc để xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ và người đi bộ qua lại an toàn; lắp đặt các tấm bê tông ở giữa cầu, cải tạo mặt cầu chính phục vụ chung cho cả đường sắt và đường bộ để phương tiện cơ giới tải trọng không quá 2,5 tấn qua lại trên cầu. Hiện nay, mỗi ngày chỉ có tám chuyến tàu khách và một số chuyến tàu hàng chạy qua cầu Phú Lương cũ.
Thiết nghĩ để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hải Dương nói chung vừa đảm bảo cho việc đi lại của bà con thuận tiện và lưu thông an toàn các đoàn tàu qua cầu, ngành đường sắt cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng hữu quan tỉnh Hải Dương có giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục kịp thời tình trạng trên.