Cần sớm khắc phục sự cố sạt lở tại cồn Phú Đa, Bến Tre

NDO -

Người dân sống tại cồn Phú Đa (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) rất bức xúc vì công trình kè chống sạt lở lại bị sạt lở khi chưa nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Điều đáng nói, hơn sáu tháng sau sự cố, cơ quan chức năng vẫn chưa khắc phục khiến người dân sống trong phập phồng lo sợ và một số vườn cây ăn quả bị nước tràn vào gây ngập úng, chết cây.

Công trình bờ kè chống sạt lở bị sạt lở khi chưa nghiệm thu.
Công trình bờ kè chống sạt lở bị sạt lở khi chưa nghiệm thu.

Công trình chưa nghiệm thu đã trôi xuống sông

Cuối năm 2017, tại cồn Phú Đa xảy ra sự cố sạt lở làm cuốn trôi bốn căn nhà của người dân, hàng chục hecta cây ăn quả chìm trong biển nước gây thiệt hại nặng nề. Ngay sau đó, tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở làm người dân nơi đây rất vui mừng vì được bảo vệ nhà cửa, đất sản xuất.

Công trình kè chống sạt lở cồn Phú Đa được khởi công xây dựng vào tháng 11-2019, dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong đó, sẽ xây dựng hai tuyến kè tại bờ bắc và bờ nm với chiều dài 981,9 m, tổng kinh phí đầu tư, xây dựng hơn 43 tỷ đồng do Công ty CP Xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội thi công. Ban Quản lý đầu tư xây dựng các dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (BQLDA) tỉnh Bến Tre là đơn vị chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, ngày 21-10-2020, khi công trình chuẩn bị tổng nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng thì xảy  ra sự cố sạt lở tại bờ Nam với chiều dài 50 mét.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nguyên nhân gây ra sạt lở chủ yếu do mất cát ở lòng sông. Đồng thời, địa chất nền đáy là bùn và cát nên dễ bị dòng chảy gây xói lòng dẫn, dễ gây ra mất ổn định mái bờ sông... Giám đốc BQLDA tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Điền cho biết: “Qua quá trình theo dõi diễn biến thời tiết, dòng chảy, kết quả khảo sát địa hình, khảo sát địa chất và kiểm tra hiện trường để đánh giá nguyên nhân sạt lở chủ yếu do mất cát. Qua tài liệu khảo sát, hiện lòng sông cách bờ 100 m đã bị đào sâu hơn 2m so năm 2018. Ngay sau khi sự cố xảy ra, đơn vị chủ đầu tư đã giao đơn thiết kế đo đạc hiện trạng, lập phương án xử lý”.

Thế nhưng, hơn sáu tháng trôi qua, sự cố sạt lở vẫn chưa khắc phục xong do nhiều nguyên nhân khách quan như: Chờ đơn vị bảo hiểm trả lời việc bồi thường sự cố sạt lở, đơn vị thiết kế tiếp tục điều tra để đưa ra các phương án khắc phục... Hiện tại, một số vườn cây ăn quả phía trong bờ kè bị ngập úng lâu ngày nên chết dần chết mòn. Gia đình ông Trương Thanh Tân có 3.100 m2 đất ở sát mé sông, năm 2017 sạt lở gia đình ông mất gần 1.000 m2 đất, nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng để di dời nhà vào phía trong. Ông Tân cho biết: “Sau sự cố sạt lở năm 2017 gia đình gặp nhiều khó khăn do mất đất sản xuất, di dời nhà cửa. Diện tích đất còn lại gia đình đầu tư trồng gần 100 cây mít thái. Sau thời gian hơn ba năm chăm sóc, thu hoạch được hai đợt gần 30 triệu đồng. Chưa kịp vui mừng thì xảy ra sự cố sạt lở, toàn bộ mít chết hết nên kinh tế gia đình rất khó khăn”.

Cần sớm khắc phục sự cố để ổn định cuộc sống người dân

Sau khi sự cố xảy ra, điểm sạt lở ban đầu chỉ khoảng 50 m giờ tiếp tục bị sạt lở rộng hơn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Ông Phan Văn Phong nhà sát bên vị trí sạt lở bức xúc: “Người dân ở đây sống trong phập phồng lo sợ vì con đê bằng đất phía trong rất yếu nếu mùa mưa bão, nước lớn tràn bờ sẽ tiếp tục gây sạt lở ảnh hưởng hàng trăm hecta đất trồng cây ăn quả của người dân ở phía trong. Người dân sống sát bên bờ sông lo lắng nếu không sớm khắc phục sạt lở sẽ rộng hơn, sẽ tiếp tục mất đất, nhà cửa như năm 2017”. Năm 2017, căn nhà kiên cố của ông Phong bị trôi xuống sông do sạt lở gây ra gây thiệt hại trên 200 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông tiếp tục cất căn nhà sát mé sông vì không còn đất nơi khác để ở.

Cần sớm khắc phục sự cố sạt lở tại cồn Phú Đa (Bến Tre) -0
 Toàn bộ vườn mít của ông Tân bị chết do nước tràn vào bên trong sau sự cố sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phan Anh Linh cho biết: “Khi sự cố sạt lở sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương báo ngay cho cơ quan chức năng để tiến hành tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục sự cố. Tuy nhiên, hơn sáu tháng qua vẫn chưa khắc phục xong. Hiện tại, địa phương mong muốn đơn vị chủ đầu tư sớm khắc phục vì mùa mưa bão tới, nguy cơ sạt lở rất cao sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.

Ông Lê Văn Lộc, Giám sát trưởng công trình Kè chống sạt lở cồn Phú Đa cho biết: “Sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã mời các ngành liên quan đi khảo sát thực tế. Hiện tại, đơn vị khảo sát đã đo đạc lòng sông để tìm nguyên nhân. Đồng thời lập xong báo cáo sự cố và đưa phương án xứ lý. Khu vực này bà con đang đang bức xúc, cần đầu tư khắc phục. Góc độ Ban Quản lý dự án chúng tôi đang cố gắng tranh thủ các ngành để hoàn thành sớm việc khắc phục sự cố ở đoạn này trong thời gian sớm nhất”.