Cần sớm khắc phục những bất cập tồn tại ở thủy điện Nậm Bú

NDO - Theo phản ánh của người dân tại các bản, tiểu khu, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sinh sống ở ven lòng hồ, vùng hạ du của thủy điện Nậm Bú, thậm chí là các hộ không gần lòng hồ thủy điện luôn sống trong sự lo âu bởi những tác động không nhỏ của thủy điện Nậm Bú gây nên, ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt và sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Theo người dân từ khi có thủy điện Nậm Bú, tình trạng ngập lụt xảy ra nhiều hơn.
Theo người dân từ khi có thủy điện Nậm Bú, tình trạng ngập lụt xảy ra nhiều hơn.

Công trình thủy điện Nậm Bú được xây dựng trên địa bàn hai xã Mường Bú và Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Công trình này sau khi thu hồi gần 30ha đất của hơn 40 hộ dân và đất cộng đồng của hai xã từ năm 2011 và sau đó đã được bàn giao cho Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Bú (Công ty) triển khai dự án. Đến tháng 11/2016, công trình được khánh thành và đưa vào vận hành với công suất thiết kế 7,2 MW, có tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì từ khi đưa vào vận hành và tích nước đã gây ngập, sạt lở đất, gây thiệt hại đất sản xuất cũng như tài sản của người dân, nhất là mỗi khi bước vào mùa mưa lũ hay khi thủy điện tích nước.

Nỗi lo mùa tích nước, mưa lũ

Theo chân lãnh đạo Ban quản lý bản Giàn, xã Mường Bú tới thực địa những khu vực của bản và các hộ dân bị ngập lũ mỗi khi thủy điện tích nước và vào mùa mưa lũ, được biết, khi chưa có thủy điện Nậm Bú, người dân tại các bản, tiểu khu chỉ thấy một lần duy nhất vào năm 1991 là nước dâng cao nhất và gây ngập nhưng không ảnh hưởng nhiều tới tài sản, đời sống người dân. Chỉ đến khi có thủy điện mới xuất hiện nhiều tình trạng ngập lũ gây ảnh hưởng tới đời sống cũng như tài sản, hoa màu của người dân.

Trước đó, tại khu vực trồng lúa, cỏ voi của các hộ dân bản Giàn, vết tích của trận ngập vào tháng 8/2022 vẫn còn để lại trên những diện tích lúa và trên ngọn cỏ voi. Có những khu vực cây cỏ voi cao quá đầu người nhưng nước dâng cao vẫn ngập đến ngọn.

Còn nhiều diện tích lúa do đang thời kỳ trổ bông lại bị ngập úng trong nước lâu ngày nên cũng vì thế người dân phải bỏ. Cũng thời điểm tháng 8/2022, 54 hộ bản Tam Mo cũng bị ngập nhà cửa, thậm chí đường qua cầu vào bản không thể đi được ô-tô, xe máy và cả bản đã phải báo động đỏ để di chuyển do nước dâng cao.

Cần sớm khắc phục những bất cập tồn tại ở thủy điện Nậm Bú ảnh 1

Gần đây nhất là tháng 8/2022, nước ngập cao hết cầu, ô-tô không qua được.

Trao đổi với lãnh đạo bản Giàn, được biết, bản có hơn 15ha trồng lúa hai vụ của 110 hộ/189 hộ dân tộc Thái. Từ khi có thủy điện, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà sản xuất, tài sản cũng bị ảnh hưởng.

Đến nay, trên 10ha lúa của người dân không canh tác được, phải chuyển sang trồng cỏ voi, bởi chỉ cỏ voi mới sống được khi nước ngập. Các hộ dân trong bản cũng vì thế phải ra chợ mua gạo ăn thay vì như trước đây tự canh tác phục vụ cho gia đình mình.

Đưa chúng tôi ra khu vực chăn nuôi phía sau của ngôi nhà sàn, ông Lèo Văn Ắng, bản Giàn, cho hay, năm 1975 và 1991 vùng này có ngập bởi mưa lũ nhưng không bị ảnh hưởng nhiều. "Từ khi có thủy điện, năm nào cũng bị ngập, cứ mưa to là ngập và gây ô nhiễm môi trường. Nhà tôi có nhà xây làm nền nhà cao so với mặt đất gần 1,2m mà nước vẫn ngập đến mép nhà và nhà sàn thì còn 1 gang tay nữa là đến mặt sàn. Như năm 2018, nước ngập ảnh hưởng hoa màu, chết 2 tạ lợn nhưng không được đền bù…" - ông Lèo Văn Ắng nói.

Cần sớm khắc phục những bất cập tồn tại ở thủy điện Nậm Bú ảnh 2

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Lèo Văn Ắng, bản Giàn cũng gần bị ngập đến sàn nhà khi nước chỉ cách 1 gang tay.

Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Bú cho biết, do bên Sở Tài nguyên và Môi trường làm chưa đúng về đánh giá tác động môi trường, Công ty đã thuê đơn vị tư vấn đánh giá lại tác động môi trường. Về thi công máng tràn xả lũ, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng còn đang vướng mắc về thủ tục cấp đất, giao đất và cho đơn vị thuê đất.

“Đề nghị tỉnh Sơn La cho phép đơn vị không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư mà thực hiện theo công trình sửa chữa trong quá trình vận hành. Vì điều chỉnh chủ trương đầu tư và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình về Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định mất rất nhiều thời gian”, ông Tân cho biết thêm.

Làm việc với lãnh đạo bản Giàn, Tam Mo và tiểu khu 2, xã Mường Bú, được biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, họp Hội đồng nhân dân xã, lãnh đạo bản, tiểu khu cũng như người dân đã đề xuất kiến nghị rất nhiều nhưng chưa có hồi âm và hướng giải quyết cho bà con nhân dân trên địa bàn.

Nhiều tồn tại chưa được khắc phục

Tại cuộc làm việc với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mường La, được biết, tỉnh đã trực tiếp về huyện họp và huyện cũng họp bàn đôn đốc, kiểm tra việc khắc phục các vi phạm trong quản lý hồ, đập thủy điện của Công ty rất nhiều lần. Huyện cũng đã ban hành các văn bản, làm việc để yêu cầu chủ đầu tư chỉ được phép xả lũ khi có thông báo.

Tuy nhiên, qua nhiều lần đôn đốc, đến nay Công ty thủy điện Nậm Bú vẫn chưa hoàn thành các nội dung theo tiến độ đã được các ngành của tỉnh chỉ ra, như: Lập, điều chỉnh phương án bảo vệ đập, hồ chứa; bổ sung các vật tư, thiết bị theo nội dung phương án phòng, chống thiên tai và rà soát, phê duyệt trước ngày 15/4 hằng năm; thống nhất với huyện Mường La lắp đặt cột thủy trí tại thượng lưu và hạ lưu đập; lắp đặt bổ sung hệ thống cảnh báo lũ; thực hiện việc cắm mốc giải phóng mặt bằng ứng với cao trình mực nước dâng bình thường và cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy điện Nậm Bú và cũng chưa xác định rõ vùng ngập do thủy điện gây ra trong năm 2018 để hỗ trợ đền bù cho người dân.

Cần sớm khắc phục những bất cập tồn tại ở thủy điện Nậm Bú ảnh 3

Nhà văn hóa bản Giàn cũng bị ngập nước tràn vào phía trong với mực nước cao hơn 1m.

Tỉnh Sơn La đã tổ chức rất nhiều cuộc họp làm việc với các sở, ngành và Công ty để bàn giải pháp, tháo gỡ khó khăn đối với thủy điện Nậm Bú, giải quyết bài toán ngập lụt cho người dân. Gần đây nhất tại cuộc họp sáng 27/12, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, thông tin: Đây là công trình đã chuyển nhượng, mua bán qua nhiều nhà đầu tư nhưng cần phải thực hiện theo đúng quy định. Từ năm 2017 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 23 văn bản hướng dẫn, đôn đốc công ty thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, đã xử lý vi phạm hành chính với hành vi không lập Phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa triển khai thực hiện.

Theo nội dung tại văn bản điều chỉnh chủ trương dự án kèm theo Công văn số 1359/SKHĐT-KTĐT ngày 19/7/2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dự án đã thay đổi một số nội dung so với báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, như: Diện tích ứng mặt hồ với mực nước dâng bình thường tăng từ 22,578ha lên 29,989ha; dung tích hữu tích thay đổi từ 241.310m3 lên 290.000m3

Cần sớm khắc phục những bất cập tồn tại ở thủy điện Nậm Bú ảnh 4

Lãnh đạo bản Giàn mô tả tại thời điểm tháng 8/2022 nước ngập dâng cao đến ngọn cỏ voi.

Tuy nhiên, chủ dự án không có văn bản báo cáo cơ quan chuyên môn phê duyệt đối với những nội dung thay đổi điều chỉnh nêu trên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Điều 5 Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 8/9/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

Để khắc phục được tình trạng ngập lụt, việc đầu tiên tỉnh Sơn La cần sớm ưu tiên giải quyết là triển khai công trình thoát lũ khu vực này, tránh được việc ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và tài sản của người dân như trong nhiều năm qua, nhất là khi mùa mưa lũ đang đến gần.