Hà Nội liên tục lập đỉnh ca nhiễm mới với số ca nhiễm trong 2 ngày qua tăng gần gấp đôi so với dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, khi trẻ em đi học trở lại, tỷ lệ cả gia đình cùng nhiễm Covid-19 lớn khiến cho nhu cầu mua test nhanh để tự xét nghiệm tại nhà tăng rất cao.
Bộ Y tế: Sẽ bảo đảm khả năng cung ứng vật tư y tế
Một đơn vị sản xuất kit test nhanh trong nước cho biết, những ngày qua, đơn vị của ông nhận được hàng trăm cuộc điện thoại xin làm đơn vị phân phối hoặc đặt hàng. Công ty vẫn đang tiếp tục tăng ca nhưng vẫn không đủ đáp ứng với yêu cầu của thị trường.
Một số loại kit test nhanh nhập khẩu đang bị đẩy giá, đáng chú ý, trong đó người dân không phân biệt được đâu là kit test bảo đảm đúng tiêu chuẩn hay là hàng xách tay trôi nổi.
Liên quan đến vấn đề giá test tăng nhanh tại Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đơn vị này đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, phòng y tế ở các địa bàn xảy ra sự việc tiến hành kiểm tra. Nếu các sản phẩm bán cao hơn giá công bố hoặc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khi kiểm tra phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm.
Làm gì để quản lý tình trạng giá kit test "nhảy múa", ông Vũ Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã nắm được sự việc một số nơi tăng giá vật tư y tế.
“Chúng tôi đang báo cáo lãnh đạo Bộ đồng thời làm việc với các bộ, ngành để bảo đảm khả năng cung ứng vật tư y tế”, ông Lợi cho hay. Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế sẽ thông tin cụ thể sau.
Gần đây nhất, liên quan đến câu chuyện quản lý giá kit test nhanh, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Tính đến tháng 2, cả nước có 30 loại test nhanh kháng thể và 83 loại test nhanh kháng nguyên đã được Bộ Y tế cấp phép. Với test nhanh kháng nguyên, trong nước có 3 sản phẩm và 80 loại nhập khẩu từ nước ngoài.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung test xét nghiệm. Gần đây nhất, trong Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm Covid-19 ban hành ngày 18/2, Bộ Y tế đã điều chỉnh giá dịch vụ xét nghiệm, với giá test nhanh không quá 78.000 đồng/mẫu, xét nghiệm PCR không quá 501.800 đồng/mẫu đơn.
Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá dịch vụ xét nghiệm được Bộ Y tế đưa ra lần đầu, cách đây hơn một năm với giá xét nghiệm được quy định PCR là 734.000 đồng/mẫu đơn; test nhanh 238.000 đồng/mẫu.
Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu. Bộ Y tế đã thực hiện tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nên mua kit test được cấp phép lưu hành
Vì khan hiếm và bị đẩy giá nên nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền cao hơn để mua được bộ kit test phòng sẵn dù không biết được đó là hàng trôi nổi, hàng xách tay hay hàng được cấp phép.
Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thận trọng khi chọn mua kit test, chỉ nên mua các loại kit test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành. Vì sinh phẩm được cấp phép đã qua kiểm chứng mới bảo đảm tiêu chuẩn, độ đặc hiệu, độ nhạy.
Để bảo đảm an toàn cho gia đình và bản thân, người dân tuyệt đối không nên mua ở những trang mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng. Việc sử dụng các sản phẩm kit test nhanh không được cấp phép, không rõ nguồn gốc sẽ cho kết quả không chính xác. Bởi vì, rất có thể người bệnh đã dương tính nhưng kết quả vẫn âm tính, gây ra tâm lý chủ quan, có thể làm lây lan dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế, đơn vị này vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp, liên thông cung cấp thông tin về giá nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có giá nhập khẩu test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Đồng thời, cùng phối hợp để sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19 và ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, đặc biệt qua hệ thống mạng đối với các sản phẩm trang thiết bị y tế (gồm có các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phép lưu hành).
Đối với các đơn vị trực thuộc, Bộ Y tế đề nghị Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế xây dựng kế hoạch hằng năm, tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế nói chung và các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2 nói riêng.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm, phối hợp các cơ quan đơn vị chức năng trên địa bàn (Công an, Quản lý thị trường....) tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp các phòng, ban và các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm nhanh, xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Tổng cục Quản lý thị trường vừa ban hành công văn số 235/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test Covid-19.
Trong công văn Tổng cục nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu mua kit test Covid-19 của người dân tăng cao. Thời gian gần đây, theo phản ánh của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, có hiện tượng một số đối tượng buôn bán mặt hàng kit test Covid-19 và các sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Để bảo đảm quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại các công văn số 3005/TCQLTT-CNV ngày 30/12/2021 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19; Công văn số 846/TCQLTT-CNV ngày 10/5/2021 vể việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit test Covid-19, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Thứ hai, chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời yêu cầu cán bộ, công chức trong đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế và Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường.