Cần quyết liệt trong việc di dời trụ sở bộ, ngành trung ương

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 130/QÐ-TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Phương án kiến trúc khu trụ sở các bộ, ngành trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây (Hà Nội).
Phương án kiến trúc khu trụ sở các bộ, ngành trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây (Hà Nội).

Việc di dời các cơ sở này có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố trong quá trình tái thiết đô thị, hoàn thiện, bổ sung hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho khu vực nội đô. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Trung ương trên địa bàn Hà Nội vẫn rất chậm.

Không chỉ chậm trễ về tiến độ di dời, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, các cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng các khu đất sau di dời, bàn giao cho cơ quan Trung ương quản lý hoặc được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng.

Khu vực nội đô chịu thêm áp lực

Trong số chín bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển tới trụ sở mới, có bảy đơn vị tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cho cơ quan Trung ương quản lý, hai đơn vị được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê. Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phù hợp quy hoạch, cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều đơn vị đã di dời, nhưng không bàn giao quỹ đất cho thành phố, mà tìm hướng liên kết, cổ phần, để lập dự án xây dựng nhà ở. Những quỹ đất được kỳ vọng sẽ phục vụ mục đích công cộng, phục vụ đời sống người dân như trường học, công viên, vườn hoa, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật - xã hội, trở thành các công trình cao tầng, gia tăng thêm áp lực cho khu vực nội đô vốn đã ngột ngạt, ách tắc.

Việc chậm trễ trong di dời các cơ sở theo quy hoạch, trong đó có trụ sở các bộ, ngành đã và đang ảnh hưởng đến quá trình tái thiết đô thị của thành phố Hà Nội. Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, để giãn dân, giảm dân số khu vực nội đô, thì việc đưa cơ quan, trụ sở, trường học, bệnh viện ra ngoài nội đô là rất quan trọng. Theo tính toán của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, việc di dời các cơ quan, trụ sở, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176 ha để xây dựng các công trình công cộng và không gian xanh cho thành phố.

Về khó khăn trong công tác di dời trụ sở các bộ, ngành, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng, thiếu chính sách đối với sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Ngoài ra, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời.

Cần sự quyết liệt

Về lộ trình di dời trụ sở các cơ quan, cơ sở ra khỏi nội thành Hà Nội, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch để xây dựng phương án quy hoạch cụ thể; bao gồm 18 bộ, bốn cơ quan ngang bộ, tám cơ quan thuộc Chính phủ và sáu cơ quan đoàn thể trung ương.

Tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan đoàn thể Trung ương tại Hà Nội đến năm 2030. Hệ thống trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, bốn cơ quan ngang bộ, tám cơ quan thuộc Chính phủ và sáu cơ quan đoàn thể trung ương.

Ðồ án quy hoạch gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Quy mô quy hoạch chi tiết khu trụ sở bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây khoảng 35 ha; tại Mễ Trì, quy mô quy hoạch chi tiết khoảng 55 ha. Tại quy hoạch cũng đã xác định rõ lộ trình xây dựng của từng giai đoạn, từng bộ, ngành.

Như vậy, quy hoạch, lộ trình xây dựng điểm đến cho các bộ, ngành thuộc đối tượng quy hoạch đã rõ. Tuy nhiên, công tác di dời vẫn chưa có lộ trình cụ thể. Cùng với cơ quan trung ương, Hà Nội cũng có trách nhiệm với việc di dời bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô nhưng về thẩm quyền thì chính quyền địa phương luôn ở thế bị động.

Tại phiên họp thứ 26 vào tháng 9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức của trung ương trên địa bàn Hà Nội đã đặt ra từ lâu, song triển khai rất chậm. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời, tuy nhiên, hồ sơ dự án Luật chưa thấy biện pháp và lộ trình di dời.

Ðể quy hoạch được thực thi cần bố trí đủ vốn theo kế hoạch, lộ trình xây dựng; có chính sách, giải pháp để huy động nguồn lực. Ðồng thời, các cơ quan cần quyết liệt trong việc di dời các bộ, ngành để sử dụng có hiệu quả, đúng lộ trình trụ sở mới, cũng như bàn giao trụ sở cũ để quy hoạch, lên phương án sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Cần có chế tài, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm trễ di dời; lãng phí, sử dụng sai mục đích trụ sở công.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) nên giao thẩm quyền lớn hơn cho thành phố Hà Nội, nhằm giải quyết được một số hạn chế, bất cập, trong đó có việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ quan trung ương trên địa bàn, cũng như di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.