Cần quyết liệt hơn trong quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tự phát

Nhằm bảo đảm nguồn cung thịt gia súc, gia cầm an toàn cho người dân, thời gian qua, các ngành chức năng đã “vào cuộc” quyết liệt trong việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Giết mổ gia cầm tại chợ Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. (Ảnh HƯƠNG GIANG)
Giết mổ gia cầm tại chợ Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. (Ảnh HƯƠNG GIANG)

Song, do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún còn khá phổ biến, khiến cho việc kiểm soát giết mổ nhỏ, lẻ, tự phát trên địa bàn một số địa phương vẫn gặp không ít khó khăn.

Tỉnh Hà Nam hiện có khoảng 678 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó có 33 hộ giết mổ trâu, bò; 383 hộ giết mổ lợn; 231 hộ giết mổ gia cầm và 31 hộ giết mổ hỗn hợp. Hầu hết sản phẩm sau giết mổ được tiêu thụ tại chỗ thông qua các chợ, điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Tuy nhiên, do nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã gián tiếp tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm ở địa phương.

Tương tự tại thành phố Hà Nội, với hơn 718 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có 89 cơ sở có giết mổ trâu, bò; 212 cơ sở có giết mổ lợn, 410 cơ sở có giết mổ gia cầm; 1 cơ sở vừa giết mổ lợn và gia cầm; 6 cơ sở giết mổ động vật khác.

Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm trong quy hoạch của thành phố, còn lại là các cơ sở nhỏ, lẻ, thủ công. Phần lớn những điểm giết mổ này không có địa điểm cố định, thường nằm rải rác ở các chợ, khu dân cư thuộc các huyện, thị xã, chưa bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP).

Công tác đánh giá phân loại, cấp giấy chứng nhận ATTP, quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong giết mổ đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Do các điểm, hộ giết mổ nhỏ, lẻ hoạt động trái phép, vì vậy, cơ quan thú y cũng không thể kiểm soát theo đúng quy định của Luật Thú y.

Tại khu vực chợ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, toàn bộ gà, vịt sau khi được khách lựa chọn sẽ được tiểu thương xử lý tại chỗ. Phần lông, nội tạng... vứt vương vãi trên nền đất, nước thải chảy khắp đoạn vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả ngoài lề đường. Nước thải không có chỗ thoát khiến cho nơi đây những ngày mưa bốc mùi xú uế, thu hút những loài sinh vật gây hại như ruồi, muỗi đến trú ngụ.

Sau mỗi buổi họp chợ, tất cả các loại rác thải được tiểu thương vứt bừa bãi ngay ven đường, bốc mùi nồng nặc, ruồi nhặng vây quanh. Đây cũng là thực trạng diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, nơi không có các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Theo Chi cục trưởng Thú y tỉnh Hà Nam Phạm Anh Tuấn, một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn gặp khó khăn là do, sau khi các Trạm Chăn nuôi và Thú y sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thuộc UBND cấp huyện quản lý thì hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y không còn theo luật, không có cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y không còn quản lý trực tiếp các Trung tâm DVNN cho nên việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn.

Việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ dân sinh chưa được thực hiện do Chi cục không có đủ biên chế, trong khi các Trung tâm DVNN lại không được ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP của các cấp, ngành chức năng chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để tạo sự răn đe.

Nhiều hộ giết mổ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt để kiếm lời, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung.

Số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu, do đó, hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật ở các chợ cóc, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra thường xuyên...

Để tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ động vật, cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, chính quyền cơ sở.

Theo đó, cần xây dựng “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung”.

Tiếp tục rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến đồng bộ trên thế giới; các cơ sở giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển của thành phố và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các huyện.

Đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch... Các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho việc triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn theo quy hoạch, bảo đảm thuận tiện trong việc gắn kết cơ sở giết mổ với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, tích cực chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp.

Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.