Cần quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản dọc sông Cu Đê

Nằm dọc sông Cu Đê, thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) sau nhiều năm nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, nay thành vùng có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn nhất thành phố, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vùng nuôi tại đây vẫn mang tính tự phát, chưa được quy hoạch bài bản, gây khó khăn cho nông dân và ảnh hưởng xấu đến môi trường...
0:00 / 0:00
0:00
Một số ao, đìa bị bỏ hoang dù đang bước vào vụ mới.
Một số ao, đìa bị bỏ hoang dù đang bước vào vụ mới.

Đến vùng nuôi tôm thôn Trường Định lúc này, dễ nhận thấy một số ao đìa bỏ hoang, ngổn ngang gạch đá dù đang vào vụ mới.

Môi trường nước bị ô nhiễm

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Liên Ngô Thành Tâm cho biết, với tổng diện tích 26 ha, Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản thôn Trường Định có tổng vốn đầu tư sản xuất nuôi tôm từ 200-250 triệu đồng/ha, cho năng suất bình quân 4,2 tấn/ha.

Với hai vụ nuôi, tổng doanh thu bình quân của các hộ từ 200-300 triệu đồng/năm, lãi ròng bình quân từ 100-150 triệu đồng/năm. Năm 2022 có 39 hộ nuôi trồng thủy sản, đến năm 2023 chỉ còn 24 hộ.

“Mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Nhưng do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh, cho nên thu nhập của người dân khó khăn và giảm hơn so với các năm trước”, ông Ngô Thành Tâm cho biết.

Ông Đỗ Trực, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản thôn Trường Định cho biết: Mấy năm nay, tôm thường bị bệnh, chết hàng loạt, nhiều hộ thả số lượng lớn thua lỗ, nên bỏ ao.

Người nuôi mấy năm nay gặp khó không chỉ do thời tiết cực đoan, mà còn do môi trường nước không ổn định, không có hệ thống lắng, lọc và xử lý nước, dễ phát sinh các loại dịch bệnh cho tôm như đốm trắng, hoại tử gan,...

“Mười năm đầu, mặc dù không có nhiều vốn đầu tư nhưng nhờ môi trường tốt, nên ai cũng khá hết. Từ năm 2014 trở đi, bắt đầu nuôi tự phát nhiều trong khi hạ tầng ít được đầu tư, nên tôm bị đủ thứ bệnh”, ông Trực ngao ngán nói.

Hình thành từ những năm 2000, nhưng 26 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thôn Trường Định hiện nay vẫn chưa được quy hoạch thành vùng tập trung, chuyên canh. Do vậy, chất lượng hạ tầng nuôi trồng thủy sản tại đây chưa theo kịp so với sự tăng lên về diện tích và mật độ thả, gây áp lực lớn cho môi trường.

Đáng nói, hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước chung một đường mương, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nhìn nhận khó khăn của thôn Trường Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho rằng, bất cập về hệ thống cấp và thoát nước nói trên đã dẫn đến phát sinh nhiều loại dịch bệnh cho tôm, gây khó khăn khi xử lý mầm bệnh trong môi trường nước.

Ngoài ra, nguồn nước sông Cu Đê phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản thôn Trường Định còn bị đe dọa bởi hành vi xả trực tiếp nước thải nuôi tôm ra sông và hệ lụy nuôi tôm theo phong trào của một số hộ.

Ông Lê Đình Ca chia sẻ: “Trường Định có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản. Đây là khu vực nuôi thủy sản có diện tích lớn nhất huyện Hòa Vang. Những năm qua, huyện Hòa Vang và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện rất quan tâm phát triển, đầu tư mạng lưới điện và lối đi. Nhưng do vướng nhiều quy hoạch nên không đầu tư mở rộng được”.

Muốn đầu tư nhưng gặp trở ngại

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 11/2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố ước đạt 216,4 ha.

Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước đạt 38.166 tấn; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2023 ước tính khoảng 1.400 tấn, chiếm tỷ trọng dưới 4% trong tổng sản lượng.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng chưa hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; đồng thời, chưa khai thác tốt tiềm năng các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ có giá trị tại huyện Hòa Vang.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, từ năm 2000 đến nay, huyện đã nhiều lần đề xuất quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại thôn Trường Định thành vùng chuyên canh thủy sản, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được do vướng nhiều quy hoạch.

Theo đó, năm 2004, đề xuất mở rộng diện tích nuôi mặt nước thôn Trường Định từ 35 ha lên 75 ha của huyện Hòa Vang bị hủy bỏ, do vướng phải dự án khu đô thị Golden Hills.

Sau khi có đề xuất hủy bỏ quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 khu vực phía tây Dự án Golden Hills mở rộng (giai đoạn I), năm 2021, huyện Hòa Vang tiếp tục đề xuất bố trí kinh phí quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản Trường Định thành vùng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái theo danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020- 2025.

Song, từ đó đến nay, đề xuất vẫn không được triển khai do nằm trong vùng quy hoạch phân khu Cảng Liên Chiểu, tỷ lệ 1/2.000.

Theo ông Đỗ Trực, dù có lợi thế vùng nước, nhưng để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả và bền vững, 26 ha nuôi tôm, cá của các hội viên cần có một quy hoạch bài bản để xây dựng hạ tầng.

Ông Lê Đình Ca đánh giá: “Diện tích đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện nay manh mún và nhỏ lẻ, khó tập trung đầu tư thành vùng chuyên canh. Mặt khác, nơi có đủ diện tích để hình thành vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản lại vướng mắc các dự án, dẫn đến hạ tầng khó được đầu tư bài bản”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Liên Ngô Thành Tâm cho biết: Vùng nuôi trồng thủy sản ở thôn Trường Định hiện vẫn đang được duy trì hoạt động.

Để người nuôi yên tâm sản xuất, Ủy ban nhân dân xã tiếp tục phối hợp ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang và Chi cục Thủy sản Đà Nẵng hỗ trợ quan trắc và xử lý môi trường nước, chủ động phối hợp ngăn ngừa dịch bệnh, tuyên truyền người nuôi bảo vệ nguồn nước và tuân thủ luật thời vụ.

Ủy ban nhân dân xã sẽ báo cáo đề xuất với cấp trên nhằm tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản thời gian đến.