Cần quan tâm sức khoẻ răng miệng của người dân

NDO -

NDĐT- Nghịch lý đáng buồn là Việt Nam đang có nhiều vấn đề về bệnh răng miệng (RM) với quy mô lớn, nhưng lại ít được quan tâm từ các cơ quan chức năng và cả người dân.

Cần quan tâm sức khoẻ răng miệng của người dân

Theo Bộ Y tế và Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, hơn 90% người lớn bị các bệnh RM, chủ yếu là sâu răng, viêm nướu, viêm lợi, túi mủ quanh răng, vỡ, lộ chân và mất răng; hơn 85% trẻ em độ tuổi từ sáu đến tám bị bệnh răng, trung bình là 5,4 chiếc, nhưng 94% số trẻ này không được điều trị; hơn 75% dân số bị sâu răng vĩnh viễn và hơn 55,5% dân số cả nước không bao giờ khám miệng.

Sức khỏe RM tùy thuộc vào chất lượng nguồn thức ăn, nước uống, thói quen vệ sinh và sự phát triển dịch vụ y tế. Ngoài ra, stress cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe RM. Các bệnh về RM không chỉ làm mất thẩm mỹ, giảm độ tự tin, mà còn dẫn đến nhiễm trùng vùng miệng và gây nên các bệnh nội khoa toàn thân và kéo theo chi phí chữa trị tốn kém.

Nhiều người chỉ vì một chiếc răng sâu nhiễm trùng mà phải cắt bỏ xương hàm. Trẻ bị nhiễm trùng RM gây lâu lành khi điều trị những bệnh khác. Bệnh RM cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường, gắn với bệnh đau đầu và nhiều bệnh tật khác. Việc chỉnh nắn hàm răng cho thẩm mỹ cũng gây tốn cả vài chục triệu đồng. Trẻ bị mất răng sữa sớm, dẫn đến bị sún, răng vĩnh viễn sẽ bị mọc xô lệch, kém phát triển khả năng nhai, phát âm không chuẩn không những kém phát triển về thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của cơ thể.

Ở người cao tuổi (NCT), bệnh lý toàn thân xuất hiện ngày càng nhiều ảnh hưởng đến RM và ngược lại, những suy thoái ở RM cũng tác động đến sức khỏe toàn thân. Các bệnh: sâu răng, nha chu, bệnh niêm mạc miệng, rối loạn tiết nước bọt, tiêu xương ổ, các bệnh toàn thân như tiểu đường, tai biến mạch máu não, Alzheimer, các loại thuốc uống thường xuyên, xạ trị vùng đầu cổ do ung thư... là những yếu tố chính làm tổn thương RM ở NCT.

Ngược lại, tổn thương RM có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập vào máu hay cơ quan hô hấp, gây bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng. Hơn 80% người trưởng thành bị bệnh viêm lợi hoặc viêm quanh răng có nguy cơ mất răng sớm nếu không được điều trị kịp thời. 90% ung thư miệng xảy ra ở người hơn 50 tuổi. Vì vậy, sự chăm sóc RM lúc trẻ là bảo đảm tốt nhất để có sức khỏe RM tốt lúc tuổi già.

Nhìn hàm răng có thể đánh giá mức độ hạnh phúc của người sở hữu. Sau bao lo toan làm sao bảo đảm “đầu vào” để bộ máy RM hoạt động, người ta chợt ngộ ra rằng thức ăn ê hề sẽ không còn mang lại niềm vui ẩm thực trọn vẹn nếu mắc bệnh RM. Giàu có, tài sản hay quyền lực chẳng còn mấy ý nghĩa nếu người ta không hạnh phúc. Người xưa từng nói: "Cái răng, cái tóc là góc con người".

Năm 2014, Việt Nam đã tham gia và tích cực hưởng ứng “Ngày hạnh phúc thế giới” được Liên Hợp quốc tổ chức lần đầu tiên với chủ đề “Hãy yêu thương và chia sẻ”, nhằm thúc đẩy và lan tỏa những niềm vui, hạnh phúc trên toàn cầu; Đồng thời, chúng ta cũng tham gia “Ngày sức khỏe răng miệng thế giới”, với chủ đề “Vì nụ cười tươi đẹp”.

Hạnh phúc là một quá trình và được biểu hiện đa dạng hóa, tùy thuộc ý thức và điều kiện thực tế cụ thể. Tuy nhiên, sức khỏe RM đã, đang và sẽ ngày càng trở thành điều kiện, thước đo hạnh phúc và chất lượng sống thực tế của người dân. Hãy hành động sớm và nhiều hơn để mỗi người dân có quyền có hàm răng khỏe đẹp, tỏa sáng nụ cười hạnh phúc trọn vẹn cho mỗi người, cho cả cộng đồng.