Cần phải có quy định hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần

NDO -

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) nhấn mạnh cần phải có quy định hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm bảo đảm các chế độ bảo hiểm xã hội được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển và an sinh của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm 2020 là 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần so với số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm của năm 2020.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Anh nêu rõ, quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần được nêu tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và tại Nghị quyết 93 Quốc hội khóa XIII năm 2015, chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội ra nước ngoài để định cư đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Tuy nhiên phải khẳng định rằng, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước là mở rộng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bao phủ các chế độ bảo hiểm xã hội lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

“Sự gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là một thực tế đáng quan ngại bởi sẽ dẫn đến hệ lụy phá vỡ hệ thống bảo hiểm xã hội. Người lao động rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội, tự tước bỏ quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất sẽ dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai, đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng bảo hiểm xã hội cũng như đảm bảo an sinh xã hội của đất nước”, đại biểu Nguyễn Hải Anh cho hay.

Đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần thật thấu đáo khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội tới đây, nên sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo thời gian giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp người lao động dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Cần phải có quy định hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần -0
 Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhấn mạnh bảo hiểm xã hội là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội như là một của để dành được Nhà nước bảo hộ, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho họ khi hết tuổi lao động.

Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động sẽ rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Hầu hết những trường hợp không tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ mức lương hưu cũng rất thấp, khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tạo áp lực lên xã hội và gia đình.

“Người lao động lựa chọn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.

Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Bên cạnh vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Số liệu từ báo cáo của Chính phủ cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là trên 12 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2019.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, tình trạng nợ đọng bảo hiểm bảo hiểm xã hội đến nay là khá lớn, và số dư nợ chậm đóng được dự báo có thể tiếp tục tăng trong năm 2021. Tình hình này đã làm phát sinh hệ quả pháp lý, không chỉ tác động lớn đến kết quả quản lý, triển khai thực hiện chính sách liên quan mà còn ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của các đối tượng có liên quan trực tiếp là người lao động.

Đại biểu Phúc đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội như thời gian qua, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng kéo dài.

Cần phải có quy định hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần -0
Đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam), hiện nay các quy định của pháp luật chưa phân biệt rõ giữa trốn đóng và chậm nộp bảo hiểm xã hội nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng chây ỳ, trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội, làm gia tăng nợ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến người hưởng lợi.

Đại biểu đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu Quốc hội, Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý, phân biệt những trường hợp nào là chốn đóng, trường hợp nào chậm nộp, đồng thời có chế tài mạnh để xử lý nghiêm minh đối với các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) đề nghị các cơ quan tham mưu của Chính phủ nghiên cứu các giải pháp như việc phân định các nhóm doanh nghiệp, đơn vị chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng bởi các trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh…được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành và được chậm đóng. Đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian chậm đóng, có hành vi trốn đóng, cần áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và sớm có kiến nghị, giải pháp khắc phục việc khó xử lý hình sự khi có dấu hiệu của tội phạm.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV