Cần những quy định đặc thù, đột phá khi sửa Luật Thủ đô

Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô. Các chính sách, cơ chế quy định trong Luật đã góp phần giúp thành phố đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, bộc lộ một số bất cập và yêu cầu mới trong bối cảnh mới. Do đó, sửa đổi Luật Thủ đô là hết sức cần thiết.

TS Dương Thị Thanh Mai, nguyên chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Thủ đô hiện hành còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng, mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển. Luật còn thiếu những quy định mang tính đặc thù, đột phá đúng với trị trí, vai trò của Thủ đô, nhằm tạo thể chế thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Ðể kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hướng tới mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý. Từ đó xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 và từ thực tiễn đời sống, với quan điểm và nguyên tắc là bảo đảm không trái Hiến pháp, thành phố đã tập trung xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, đề xuất chín nhóm chính sách theo hướng thật sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm. Bao gồm: Tổ chức chính quyền theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển; nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Vấn đề phát triển văn hóa và giáo dục; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững cũng là các nội dung được chú trọng. Cuối cùng là liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Hồ sơ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của 19 bộ, ngành, 10 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô, được Chính phủ trình Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024. Nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi dự thảo các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các tổ chức và nhân dân, ngày 16/2/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND về tăng cường thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Hiện, các địa phương, đơn vị của thành phố cũng đang tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự án luật. Các chuyên gia, nhà khoa học cùng đông đảo người dân thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô nhằm huy động mọi nguồn lực, khai thác các tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn cho Hà Nội trong 10 năm, 20 năm và những năm tiếp theo.

Theo kế hoạch, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5/2024 ■