Cần những giải pháp đột phá toàn diện về chính sách xã hội

Sáng 30/9, Hội thảo khoa học: "Một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020" đã diễn ra tại Hà Nội, do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và bà Carolyn Turk, Đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, theo GS,TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, phát triển xã hội, phát triển con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân luôn là mục tiêu cốt lõi của Việt Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, đối ngoại, các chính sách trong lĩnh vực xã hội cũng có những bước đổi mới, vị trí, tầm quan trọng của chính sách xã hội được xác định rõ ràng. Chính sách xã hội được coi là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 15-NQ/TW được ban hành tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 là dấu mốc quan trọng, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng về vai trò của chính sách xã hội, là cơ sở làm thay đổi căn bản nhận thức và tư duy về chính sách xã hội.

Cần những giải pháp đột phá toàn diện về chính sách xã hội ảnh 1

GS,TS Tạ Ngọc Tấn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thực tế, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, chính sách xã hội đã từng bước được hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả, mang lại kết quả tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, có không ít thách thức đối với sự phát triển đất nước nói chung, đến giải quyết các vấn đề xã hội nói riêng. Do đó, cần có những bước đột phá toàn diện về chính sách xã hội, cả về cơ sở pháp lý, quản trị... nhằm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế.

Cần những giải pháp đột phá toàn diện về chính sách xã hội ảnh 2

Bà Carolyn Turk đánh giá cao nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam.

Tại Hội thảo, bà Carolyn Turk, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đã hết sức thành công trong thập kỷ vừa qua trong việc giảm nghèo, đặc biệt là tình trạng nghèo cùng cực, phần lớn là nhờ quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam, nền kinh tế phải đạt được mức năng suất cao hơn rất nhiều, trong đó, an sinh xã hội có vai trò rất quan trọng. Và còn nhiều thách thức để cải thiện vấn đề an sinh xã hội như: tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức còn rất cao; tình trạng già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất trên thế giới; biến đổi khí hậu với nhiều hiểm họa thiên tai đã và đang ảnh hưởng đến Việt Nam, tăng thêm mối nguy cho các hộ gia đình và nền kinh tế...

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Hội thảo được tổ chức với mục tiêu làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn cho những đề xuất liên quan đến chính sách xã hội, góp phần xây dựng Báo cáo tư vấn phục vụ Hội nghị Trung ương 7 tới đây về tổng kết đánh giá hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; kiến nghị, đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm góp phần tăng cường quản lý phát triển xã hội; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người.

Theo đó, Hội thảo đã ghi nhận nhiều tham luận cùng các ý kiến tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau:

Vấn đề thứ nhất: Đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 hơn 10 năm qua, chỉ rõ nguyên nhân của kết quả và hạn chế cũng như các bài học kinh nghiệm.

Vấn đề thứ hai: Phân tích làm rõ sự phát triển nhận thức lý luận về chính sách xã hội của Đảng.

Vấn đề thứ ba: Phân tích rõ những bước chuyển về quan điểm đầu tư cho chính sách xã hội và các nguồn lực cho thực hiện các chính sách xã hội này và đánh giá tác động của nó đến thực tế triển khai chính sách.

Vấn đề thứ tư: Phân tích kinh nghiệm thế giới, chỉ rõ những cái chung, cái phổ quát trong chính sách xã hội của quốc gia mà Việt Nam đã, đang và sẽ có thể tham khảo, vận dụng, đồng thời, chỉ ra những đặc thù trong chính sách xã hội của Việt Nam phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Vấn đề thứ năm: Phân tích bối cảnh mới của tình hình đang tác động như thế nào tới việc giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam, cả về cơ hội và thách thức.

Vấn đề thứ sáu: Quan điểm giải quyết các vấn đề xã hội từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045 để bảo đảm chính sách xã hội thực sự là cơ sở, điều kiện, mục tiêu và động lực của tăng trưởng.

Vấn đề thứ bảy: Làm rõ những giải pháp, nhất là những giải pháp có tính đột phá cho giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra.

Những tham luận tâm huyết, sôi nổi tại Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề mới, bức thiết đang đặt ra; đồng thời là những tham vấn quan trọng, thiết thực giúp Hội đồng Lý luận Trung ương trong việc xây dựng Báo cáo tư vấn "Một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020" phục vụ cho việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ 7 của Đảng.