Xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam từ góc độ lý luận và thực tiễn

NDO -

Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức vào ngày 11/6 tới đây nhằm tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến ý tưởng... qua đó nhằm cung cấp thêm những tư liệu hữu ích và đóng góp vào sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tham luận tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn” trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2022. (Ảnh: Ngô Nhung)
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tham luận tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn” trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2022. (Ảnh: Ngô Nhung)

Xuất phát từ mục tiêu tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội) phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Hội thảo diễn ra vào hồi 8 giờ, thứ bảy ngày 11/6/2022. Địa điểm: Phòng 506, nhà E, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, số 336 Nguyễn Trãi - Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.

Căn cứ Nghị quyết 50 ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu cơ bản của chiến lược là phát triển hệ thống báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội; phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.

Cùng với đó, thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí. Việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.

Do đó, hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” sẽ đi sâu vào vấn đề chính, như:

- Những vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

- Những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.

- Những bài toán đặt ra, những đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.

Theo Ban tổ chức, hội thảo có sự tham gia của nhiều diễn giả là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực báo chí-truyền thông, các nhà báo uy tín... Các ý kiến đóng góp và các tham luận tại hội thảo được Ban tổ chức lựa chọn để xuất bản sách chuyên khảo và chọn đăng trên Tạp chí Thông tin và Truyền thông.

Đại diện Ban tổ chức hội thảo cũng cho biết, thông qua tổ chức hội thảo nhằm thu thập những ý kiến, khuyến nghị mang tính khoa học, thực chất với mong muốn cung cấp thêm những tư liệu hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cho các cơ quan báo chí và người làm báo cùng hệ thống đào tạo báo chí hiện nay.