Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sáp nhập các đơn vị y tế, nhất là bệnh viện hạng 2 vào trung tâm y tế cấp huyện thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, đòi hỏi tỉnh Hà Tĩnh cần nghiên cứu thấu đáo và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Những kết quả bước đầu
Năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh mạnh dạn thực hiện chủ trương thí điểm thành lập một số trung tâm y tế cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế dự phòng và trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình, kiện toàn cơ cấu tổ chức Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh; đồng thời chỉ đạo thành lập một số trung tâm y tế cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại trung tâm y tế dự phòng và trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình.
Sau ba năm thực hiện thí điểm mô hình hoạt động mới tại sáu địa phương và kiện toàn, tổ chức lại các trung tâm y tế khác, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có bảy trung tâm y tế cấp huyện thực hiện ba chức năng (khám, chữa bệnh; dân số-kế hoạch hóa gia đình và y tế dự phòng) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện và sáu trung tâm y tế cấp huyện, thành phố còn lại thực hiện hai chức năng (dân số-kế hoạch hóa gia đình và y tế dự phòng), riêng sáu bệnh viện đa khoa hạng 2 tại các địa phương này vẫn giữ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế Hà Tĩnh quản lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, Nguyễn Minh Đức cho biết: Sau ba năm hoạt động, mô hình trung tâm y tế cấp huyện thực hiện hai chức năng giúp các đơn vị chủ động, linh hoạt trong việc điều động, bố trí, đào tạo nhân lực và vật lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phù hợp yêu cầu thực tiễn của từng thời điểm, tạo điều kiện nâng cao chất lượng chuyên môn cho y tế xã, công tác dân số truyền thông và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được thực hiện tốt hơn.
Mô hình hoạt động này cũng tạo điều kiện cho các đơn vị huy động được tối đa nguồn lực của các địa phương trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính bổ sung cho lĩnh vực y tế dự phòng, dân số, nhất là huy động được sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị ở địa phương trong quá trình phòng, chống dịch bệnh…
Các trung tâm y tế thực hiện ba chức năng đã giảm được các đầu mối, giải quyết được sự chồng chéo trong nhiệm vụ, giảm thủ tục hành chính, bảo đảm cho việc quản lý về lĩnh vực y tế tuyến cơ sở được đồng bộ, thống nhất, thông suốt từ cấp huyện đến cấp xã.
Mô hình trung tâm y tế cấp huyện đã giúp cho lĩnh vực y tế dự phòng và điều trị được quản lý, chỉ đạo phối hợp thực hiện đan xen, bổ trợ nhau, khắc phục được tình trạng phối hợp thiếu nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ chung giữa các lĩnh vực thuộc ngành y tế trước đây trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn…
Những trăn trở, băn khoăn
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Y tế và Sở Nội vụ Hà Tĩnh cũng như kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình thí điểm trung tâm y tế cấp huyện trên địa bàn hiện đang có những vướng mắc so với quy định hiện hành.
Trong đó, điều đáng quan tâm nhất là, trong khi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quy định không sáp nhập bệnh viện đa khoa hạng 2 vào trung tâm y tế cấp huyện thì Hà Tĩnh vẫn thí điểm sáp nhập 5 bệnh viện đa khoa hạng 2 vào các trung tâm y tế này.
Ngoài ra, do Bộ Y tế chưa có thông tư hướng dẫn xếp hạng đối với mô hình trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng nên khó khăn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động làm việc tại trung tâm y tế cấp huyện.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của các ý kiến tâm huyết, mặc dù đã 3 năm thực hiện thí điểm thực hiện mô hình hoạt động mới, song đến thời điểm hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa đưa ra được mô hình trung tâm y tế hoạt động thống nhất trong toàn tỉnh, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế như: công tác thống kê, báo cáo, quản lý chất lượng nguồn nhân lực, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế-dân số…
Việc điều phối nhân lực giữa các đơn vị y tế trong tỉnh, giữa các địa phương để bảo đảm cân đối cơ cấu nguồn nhân lực và trong công tác phòng chống dịch… gặp không ít khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Thế Phiệt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà cho biết, sau khi sáp nhập, do tính chất công việc khác nhau, hoạt động khác nhau nên việc huy động đội ngũ y, bác sĩ từ mảng y học, dự phòng và dân số sang thực hiện công tác khám, chữa bệnh tại khối khám bệnh hầu như không thực hiện được vì chuyên môn bác sĩ hai lĩnh vực khác nhau.
“Do chưa có hướng dẫn về chi tiêu tài chính cho nên chúng tôi vẫn duy trì hai cơ chế chi tiêu tài chính khác nhau. Một bên khám, chữa bệnh thực hiện tự chủ, một bên chi tiêu ngân sách nhà nước cho lĩnh vực dân số và y tế dự phòng, do đó, trong cùng một đơn vị nhưng thu nhập của cán bộ công nhân viên của hai khối khác nhau.
Đáng chú ý, khi đơn vị thực hiện tự chủ tốt thì sự chênh lệch thu nhập giữa cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ và người lao động ở hai mảng là khá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và người lao động”, Bác sĩ Nguyễn Thế Phiệt cho hay.
Cũng theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo các trung tâm y tế trên địa bàn, sau khi chuyển giao mô hình quản lý, các địa phương đang lúng túng trong công tác quản lý tài chính cho lĩnh vực chuyên môn của ngành y tế, đặc biệt là các hạng mục trong khám, chữa bệnh, mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất… nên việc thanh quyết toán tài chính hằng năm gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, tính đến tháng 7/2023, hai huyện Nghi Xuân và Thạch Hà vẫn chưa thực hiện thanh quyết toán tài chính từ khi thực hiện thí điểm năm 2020 đến nay.
Liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ tại các trung tâm y tế thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh, sau khi các trung tâm y tế chuyển về cấp huyện quản lý, hiện nay trên địa bàn có đến 16 bác sĩ sau khi được cử đi đào tạo chuyên khoa định hướng không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh do những chồng chéo liên quan đến việc phân cấp đối tượng quản lý.
Thậm chí có ý kiến lo lắng, sau khi quá thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì các giám đốc trung tâm y tế cấp huyện sẽ được điều động về đâu, bởi việc bố trí, điều động cán bộ quản lý lĩnh vực y tế trong nội bộ một huyện sẽ gặp khó khăn.