Trang phục trên sân khấu là một yếu tố cấu thành tiết mục biểu diễn, là hình ảnh hoàn hảo nhất mà nghệ sĩ nào cũng muốn “trình hiện” trước công chúng. Nghệ sĩ bây giờ ăn mặc đẹp, hấp dẫn hơn trước đây rất nhiều. Quan niệm về nghệ thuật giải trí cởi mở hơn trước, ảnh hưởng từ tiếp nhận và giao lưu với các xu hướng nghệ thuật trẻ trên thế giới đã mang lại điều này. Tuy nhiên, cũng từ đây xuất hiện những câu chuyện không có hồi kết về một số nghệ sĩ lạm dụng trang phục phản cảm khi biểu diễn, sử dụng từ ngữ, động tác, phương tiện biểu đạt với mục đích câu khách, cổ vũ cho lối sống đi ngược lại thuần phong mỹ tục.
Đầu năm 2023, ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phạt Công ty Người hâm mộ Việt, đơn vị tổ chức biểu diễn đêm nhạc “SpaceSpeaker live concert - The Kosmik”, vì để nghệ sĩ múa mặc trang phục hở hang, cùng ca sĩ Binz nằm trên giường ngủ ngay trên sân khấu trong tư thế riêng tư ở một tiết mục.
Trước đó, tháng 6/2022, sự cố người mẫu Hà Anh mặc xuyên thấu trong vai trò giám khảo một cuộc thi Hoa hậu khiến dư luận ngao ngán, và Công ty cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn cũng bị xử phạt hành chính. Nhiều cái tên đã trở nên “quen thuộc” với những sự số trang phục phản cảm như: Wowy, Angela Phương Trinh, Hương Tràm, Thu Minh, Hà Hồ, Thủy Tiên, Ngọc Sơn, Minh Hằng… Điều đáng nói, những nghệ sĩ vi phạm đã bị các cơ quan chức năng nghiêm khắc nhắc nhở, đưa ra nhiều hình phạt, mức phạt theo thời gian được tăng gấp hai, ba lần nhưng rồi chuyện lại đâu vào đấy.
Là nghệ sĩ khi xuất hiện trước công chúng, ai cũng muốn mang trang phục đẹp, tôn lên nét gợi cảm, hấp dẫn bản thân, đồng thời khắc phục những hạn chế của hình thể. Nhưng chọn trang phục đẹp, bắt mắt cũng còn cần phù hợp nữa. Không ít ca sĩ khi biểu diễn đều chọn trang phục khá chỉn chu, nhưng tiếng hát, cách ứng xử văn minh của họ mới là yếu tố chính chinh phục người hâm mộ.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng để bù đắp cho sự thiếu hụt tài năng hoặc tài năng chưa tới mà nhiều nghệ sĩ cố tình dùng trang phục lạ để gây sự chú ý. Khi bị dư luận lên án, cơ quan chức năng xử lý thì họ biện bạch, đó chỉ là sự cố vô tình mắc phải. Nhưng với nghệ sĩ “vô tình” mắc lỗi nhiều lần, thì sự cố đã trở thành hành vi cố tình vi phạm. Không chỉ làm xấu hình ảnh bản thân, họ còn tạo ra tấm gương xấu cho các nghệ sĩ trẻ.
Nghị định số 38/2021 của Chính phủ ngày 29/3/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, điều 11 “Vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn” và điều 12 “Vi phạm quy định về thi người đẹp, người mẫu” đã đưa các mức phạt tiền kèm theo đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 6 tháng đến 2 năm tùy mức độ vi phạm. Tuy nhiên, vẫn có những nghệ sĩ tiếp tục vi phạm, phải chăng hình phạt còn quá thấp so với lợi lộc, cát-xê mà họ và đơn vị tổ chức biểu diễn thu được?
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử cho người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhưng có lẽ Bộ Quy tắc này chỉ giúp điều chỉnh hành vi với người tự giác chấp hành hoặc vô tình phạm lỗi chứ không có nhiều tác dụng với người cố tình vi phạm.
Vì vậy, để ngăn ngừa các hành vi vi phạm của nghệ sĩ một cách hiệu quả hơn, thời gian tới khi cơ quan chức năng xử lý, cần tách bạch những nghệ sĩ cố tình vi phạm hoặc tái phạm nhiều lần với những nghệ sĩ vô tình hoặc do trình độ nhận thức kém dẫn đến vi phạm. Với những hành vi cố tình vi phạm, vi phạm có hệ thống, bên cạnh hình phạt về tiền cần tăng thời gian đình chỉ hoạt động biểu diễn của cá nhân, tổ chức vi phạm, thậm chí cấm vĩnh viễn như một số nước trong khu vực đã làm. Bên cạnh sự quản lý của cơ quan chức năng, nghệ sĩ nên có nhận thức đúng đắn và tự chịu trách nhiệm về hình ảnh của mình trước công chúng.