Cần liên kết chặt chẽ trong cung ứng thịt heo

Vài tháng nay, giá heo (lợn) hơi biến động theo hướng tăng cao khiến giá thịt heo đến tay người tiêu dùng (NTD) tăng mạnh. Giá thịt heo tăng kéo theo nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác cũng rục rịch tăng giá khiến cho NTD thêm khó khăn trong việc chi tiêu, mặt bằng chung về giá cả tăng…

Người tiêu dùng mua thịt heo tại một điểm kinh doanh của Vissan trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Người tiêu dùng mua thịt heo tại một điểm kinh doanh của Vissan trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Đứng trước quầy thịt heo, chị Trần Thị Minh Phương (28 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ: “Trước đây, tôi cầm 100.000 đồng đi chợ thì mua đủ thịt, cá, rau xanh cho cả gia đình ba người. Nay, số tiền này chỉ mới đủ để mua được một ký thịt heo. Gần đây, giá thịt heo tăng quá cao, có khi sáng một giá, chiều một giá, do vậy, tôi cũng phải tính toán thay thịt heo bằng các loại trứng, thịt gia cầm khác trong bữa ăn hằng ngày của gia đình”.

Bà Thanh, tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ Bình Triệu (quận Thủ Đức) cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi bán gần 200 kg thịt heo, giờ phải giảm một nửa vì sợ không có người mua do giá thịt tăng cao. Mua heo móc hàm tại lò mổ cả con đã hơn 70.000 đồng/kg. Giá thịt heo tại lò mổ tăng mạnh, nếu bán được cũng chỉ lời được khoảng 10.000 đồng/kg, bán mắc quá không ai mua thì mình ôm lỗ”.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, sau đợt khủng hoảng giá heo năm 2017, nhiều nơi đã ngưng nuôi, số lượng heo không còn đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho nên gây chênh lệch giá giữa các miền. TP Hồ Chí Minh vẫn là thị trường chính tiêu thụ thịt heo của Đồng Nai với số lượng khoảng 6.000 con/ngày.

Thịt heo tăng giá mạnh khiến giá một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu trên thị trường tăng giá theo. Các nhà cung cấp đã tìm mọi cách để ổn định nguồn cung, bình ổn thị trường, hỗ trợ người tiêu dùng (NTD). Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Nguyễn Ngọc An, giá heo hơi tăng rất cao, gần như gấp đôi so với cách đây không lâu, trước hết do mất cân đối cung cầu. Nguyên nhân là tổng đàn heo bị giảm, do thời gian qua, cung quá nhiều, giá bán thấp cho nên người nuôi giảm đàn, dẫn đến sản lượng heo suy giảm. Để tái tạo đàn, cần khoảng một năm, như vậy, giá thịt heo sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng.

Heo hơi tăng giá cao, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thị trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải điều chỉnh giá bán thịt heo đến tay NTD. Giám đốc Siêu thị Sài Gòn Võ Vân Anh cho biết, từ tháng 3, thịt heo đã rục rịch tăng giá, đến tháng 5-2018 thì giá tăng mạnh từ 1.500 đến 5.000 đồng/kg.

Đại diện Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, thịt heo tăng giá đang làm cho NTD phải chịu thiệt. Hiện tại, các trang trại chăn nuôi có thể tính toán được đầu ra, nhưng phải có thêm giám sát từ cơ quan quản lý địa phương. Nếu các trang trại liên kết theo chuỗi mà chi phối hơn 35% thị trường thì đã có thể định giá được. Từ đó, cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát giá cả và sản lượng.

Theo Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn Nguyễn Hoàng Phong, thời gian gần đây, giá thịt heo thường xuyên “nóng sốt”. Sau thời gian dài rớt dưới giá thành, giá heo hơi tăng trở lại là hợp lý, nhưng diễn biến tăng liên tục thời gian qua là bất thường. Trong khi lượng heo nhập chợ vẫn bảo đảm đủ cho thị trường, không xảy ra hút hàng, thiếu hàng (khoảng 5.200 đến 5.300 con/ngày). Nguồn heo nuôi trong dân đã cạn, thị trường chủ yếu do các doanh nghiệp lớn chi phối thì giá heo tăng liên tục là không hợp lý.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Phương Đông cho biết, nhìn chung, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Riêng mặt hàng thịt heo, trong hai tháng gần đây đã tăng lên mức 40.000 đến 45.000 đồng/kg, nguyên nhân chủ yếu do sau hơn một năm duy trì giá thấp, nhiều người chăn nuôi đã chủ động giảm đàn, tác động đến nguồn cung. “Giá thịt heo bình ổn thị trường đã được điều chỉnh hợp lý. Thị trường thịt heo tương đối ổn định, phản ánh đúng quy luật thị trường”, ông Đông nhìn nhận.

Thông tin từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do thành phố triển khai đã hoàn thành giai đoạn 1 (từ chăn nuôi ra đến chợ đầu mối) và đang chuẩn bị cho giai đoạn 2 (triển khai truy xuất từ heo con một ngày tuổi). Nếu làm được điều này, TP Hồ Chí Minh có thể quản lý được các trang trại. Heo đến lứa bắt buộc phải xuất chuồng, sẽ không còn tình trạng găm hàng để đẩy giá cao như hiện nay.

Thực tế hiện nay, các công ty chăn nuôi heo không muốn cung cấp sản lượng, do đó, các địa phương trên cả nước cần liên kết với nhau để nắm được quỹ hàng hóa và quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các công ty phân phối lớn thao túng thị trường…