Để điều tiết nền kinh tế vĩ mô theo đúng mục tiêu, Chính phủ sử dụng công cụ chính sách một cách linh hoạt, từ đó sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến số thuế thu được và làm xô lệch số thu ngân sách tại từng địa bàn, sắc thuế, khoản thu so với dự toán đã tính.
Nhiều yếu tố khó dự báo
Theo Vụ trưởng Dự toán thu thuế (Tổng cục Thuế) Phạm Thị Tuyết Lan, qua phân tích, đánh giá công tác dự báo, lập dự toán thu một số năm gần đây cho thấy, những năm kinh tế không có biến động lớn, chính sách thu ổn định thì công tác thu NSNN được dự báo khá sát so với thực tế thực hiện, điển hình trong giai đoạn 2017-2019 số thu nội địa thực hiện vượt bình quân 6,4%/năm so với dự toán.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhất là năm 2021, 2022 kinh tế có biến động lớn, nhiều yếu tố bất định nằm ngoài dự báo của các tổ chức trong nước và thế giới, lạm phát bùng phát trên toàn cầu, dòng vốn đầu tư dịch chuyển giữa các quốc gia diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn tốc độ tăng trưởng kinh tế so với mục tiêu khi xây dựng dự toán.
Giai đoạn 2020-2023, việc thực hiện thu NSNN do cơ quan thuế quản lý vượt 15,5% so dự toán, trong đó chủ yếu vượt thu từ dầu thô (vượt 70,6%) do giá dầu thô thế giới tăng cao, hoặc số thu từ nhà, đất (vượt 53%) do thị trường tăng nóng, giá bất động sản tăng cao cục bộ tại nhiều địa phương.
“Đối với thu từ dầu thô, kinh nghiệm những năm qua cho thấy, việc dự báo của các định chế tài chính lớn, các tổ chức quốc tế đều không chính xác, giá dầu thô không chỉ phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường mà còn bị chi phối lớn bởi tình hình chính trị thế giới, nhất là các quốc gia nắm trữ lượng dầu mỏ lớn. Vì vậy, việc dự báo chính xác nguồn thu từ dầu thô là rất khó khăn”, Vụ trưởng Phạm Thị Tuyết Lan nói.
Nhiều năm trở lại đây, Chính phủ thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn. Trong quá trình thảo luận, Bộ Tài chính đều đề nghị các địa phương tự dự kiến thu tiền sử dụng đất phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương, khả năng và tình hình thực tế trên địa bàn, khuyến khích các địa phương khai thác và sử dụng hiệu quả trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
Trên thực tế, tốc độ tăng thu tiền sử dụng đất bình quân qua các giai đoạn và các năm không đồng đều. Về tổng thể, số thu tiền sử dụng đất có xu hướng tăng là chủ đạo, nhưng ở từng địa bàn thì diễn biến không theo quy luật, không ổn định và khó dự báo, tập trung ở các địa phương có ưu thế phát triển công nghiệp, logistics, kinh tế, du lịch,... Bên cạnh đó, dự toán thu tiền sử dụng đất được xây dựng từ cơ sở với sự tham gia dự báo của nhiều cấp, nhiều ngành nhưng còn chưa chặt chẽ, kịp thời,... đã ảnh hưởng đến chất lượng dự báo các khoản thu liên quan đến đất đai.
Sát thực từng khoản thu
Tổng cục Thuế cho biết, dự toán thu NSNN năm 2025 sẽ tiếp tục bám sát các nguồn thu trên địa bàn để nắm bắt nguồn thu mới, các dự án hết thời gian ưu đãi, những nguồn thu phát sinh đột biến, đặc thù,… để dự báo và lập dự toán sát với khả năng thực hiện. Toàn ngành tập trung phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2024 làm cơ sở xây dựng dự toán năm 2025 sát với thực tế.
Để nâng cao chất lượng dự báo, lập dự toán sát với thực tế phát sinh, cần phải đẩy mạnh phân cấp nguồn thu gắn với phân cấp quản lý thu, bỏ tính lồng ghép. Việc tăng cường trách nhiệm, quyền hạn cho chính quyền các cấp, thể chế hóa trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, phối hợp dự báo, lập dự toán giữa các cơ quan, ban, ngành với cơ quan thu cần phải được cụ thể hóa, cá thể hóa sát thực tế.
Ngoài ra, cần đơn giản hóa quy trình dự báo, lập dự toán thu ngân sách trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện các phần mềm ứng dụng để tự động hóa việc thu thập dữ liệu, ứng dụng phần mềm tích hợp các thông tin ngoài ngành thuế phục vụ công tác phân tích, dự báo, lập dự toán.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý thông tin, cơ cấu lại thời lượng từng khâu cho phù hợp, bảo đảm dành 20% thời lượng cho công tác thu thập, xử lý thông tin, 80% thời lượng dành cho phân tích, đánh giá, dự báo là hết sức cần thiết.
Để đáp ứng yêu cầu lập dự toán thu NSNN, cơ quan thuế cần rà soát, đánh giá sát khả năng thu NSNN phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế trên địa bàn; phân tích, đánh giá, tính toán, xác định đầy đủ các yếu tố tác động đến nhiệm vụ này.
“Việc xây dựng dự toán NSNN năm 2025 phải bao quát nguồn thu, bảo đảm tích cực, sát thực tế phát sinh, phải tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn theo quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế và quản lý NSNN”, Vụ trưởng Phạm Thị Tuyết Lan khẳng định.