Cần làm rõ hơn quy định điều tra cơ bản về dầu khí

NDO -

Đồng tình với việc cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) liên quan hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ hơn một số quy định liên quan để tiếp tục hoàn thiện hoạt động quan trọng trong phát triển ngành dầu khí quốc gia này.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ chiều 3/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ chiều 3/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Phân định rõ trách nhiệm chủ trì

Tại thảo luận tổ chiều 3/6, đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trên cơ sở sửa đổi Luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng, Luật Dầu khí được ban hành năm 1993 và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung. Qua quá trình triển khai trong thực tế, đến thời điểm này, theo đại biểu, Chính phủ lựa chọn việc sửa đổi, bổ sung Luật là rất hợp lý và phù hợp với những yêu cầu đã nêu trong báo cáo dự thảo Luật.

Góp ý xây dựng, hoàn thiện dự án Luật liên quan đến nội dung điều tra cơ bản, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng nội dung liên quan Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vì 2 luật này đều có chương, mục quy định về điều tra cơ bản, trong khi lĩnh vực dầu khí cũng có liên quan đến 2 luật trên.

Đại biểu băn khoăn, nếu cả 3 luật đều có quy định về điều tra cơ bản thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chủ trì? Thí dụ, nếu tại 1 vùng biển có cả khoáng sản, cả dầu khí thì trong phạm vi đó, cơ quan nào sẽ là chủ trì để phân định rõ ràng “ai vào trước, ai vào sau”, nhằm tránh những xung đột về pháp lý.

Cần làm rõ hơn quy định điều tra cơ bản về dầu khí -0
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu thảo luận tại tổ chiều 3/6. (Ảnh: LINH KHOA) 

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cũng kiến nghị, đối với nội dung chuyển ra nước ngoài những tài liệu liên quan điều tra cơ bản, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần quy định rõ hơn đây là những tài liệu gì để không vi phạm những quy định bảo đảm bí mật quốc gia.

Cũng liên quan đến nội dung điều tra cơ bản, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) đề xuất, cần quy định rõ khung thời gian cho hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành này, thí dụ như bao nhiêu năm thì thực hiện lại 1 lần, và trường hợp nào cần 5 hay 10 năm mới điều tra vì tốn kém hoặc có yếu tố ít thay đổi theo thời gian.

Nếu cần điều tra hoặc phúc tra bổ sung, theo đại biểu, dự án Luật cần quy định rõ ràng hơn những khái niệm cụ thể liên quan quỹ thời gian cho chu kỳ tái điều tra để có căn cứ thực hiện các bước tiếp theo trong giai đoạn tới.

Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Một điểm mới khác trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đó là cơ quan chủ trì soạn thảo đã thiết kế riêng 1 chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó phân định rõ 2 chức năng, nhiệm vụ và vai trò chính của PVN trong dự thảo Luật (Điều 52): thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu.

Liên quan nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho biết, Luật Dầu khí trước đây được xây dựng xoay quanh PVN và tập đoàn này hoạt động vừa với vai trò nhà đầu tư, doanh nghiệp, vừa đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ liên quan quản lý nhà nước.

Cần làm rõ hơn quy định điều tra cơ bản về dầu khí -0
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu thảo luận tại tổ chiều 3/6. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Do đó, trong xây dựng dự thảo Luật lần này, đại biểu đánh giá cao việc dự án Luật đã phân biệt 2 “vai chính” của PVN, vừa đóng vai trò 1 nhà thầu độc lập thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, mặt khác được ủy quyền, thay mặt Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị liên quan dầu khí.

Theo đại biểu, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, làm rõ hơn 2 chức năng, nhiệm vụ và vai trò chính của PVN, đồng thời trong quá trình tổ chức, thực hiện nhiệm vụ của PVN cũng cần gắn liền quyền hạn với trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị tiếp tục xem xét nội dung phê duyệt hợp đồng dầu khí của Thủ tướng Chính phủ trong mối quan hệ về quy định quyền và nghĩa vụ của PVN đối với hợp đồng được phê duyệt.

Trong đó, có thể quy định cụ thể trong dự thảo Luật hoặc Nghị định ban hành theo Luật theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt các nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí bảo đảm lợi ích chủ quyền quốc gia, tương đương với phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư khác.

Trong khi đó, thực hiện việc phân cấp và giao thẩm quyền cho PVN đối với các nội dung cụ thể của hợp đồng. Việc ký kết các hợp đồng dầu khí được thực hiện theo nhiệm vụ ủy quyền của Chính phủ gắn với các cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng.

Phân tích, làm rõ hơn các quy định pháp luật về nội dung này, đại biểu Lê Thành Long (Kiên Giang) cho biết, hiện trong dự thảo Luật đang theo hướng PVN thực hiện 2 vai trò: là công ty dầu khí quốc gia được giao một số nhiệm vụ quản lý và ký các hợp đồng dầu khí sau khi được Thủ tướng phê duyệt, và thực hiện với tư cách là nhà thầu trong một số dự án.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, việc giao cho PVN thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước như trong dự thảo Luật đang theo các quy định của Luật Dầu khí hiện hành, tức có kế thừa từ Luật cũ ban hành năm 1993, bảo đảm ổn định từ đó đến nay.

Nhấn mạnh dù về tư cách pháp lý, PVN không phải là cơ quan nhà nước nhưng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, trong một số trường hợp khi tranh chấp, khiếu kiện xảy ra, PVN có thể xử lý được ít nhất là về mặt hình thức để tránh các rủi ro pháp lý.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV