Cần làm rõ hoạt động thu, chi quản lý, khai thác thủy lợi ở Bắc Kạn

NDO -

Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn (sau đây gọi tắt là Công ty) được thành lập từ tháng 1-2016, có 100% vốn chủ sở hữu của Nhà nước do UBND tỉnh Bắc Kạn đại diện. Công ty được giao quản lý vận hành hàng trăm công trình thủy lợi lớn, nhỏ trên địa bàn để tưới tiêu, cung cấp nước sạch và thực hiện thiết kế, xây dựng, sửa chữa thủy lợi… Tuy nhiên, Công ty quản lý các công trình chưa thật sự hiệu quả trong khi nhập nhèm, sai phạm trong thu, chi quản lý, khai thác. 

Công trình hồ thủy lợi Bản Chang, huyện Ngân Sơn được xác định chi sai nhiều nội dung khi khắc phục, nạo vét vào năm 2018. (Ảnh: TRẦN TUYẾN).
Công trình hồ thủy lợi Bản Chang, huyện Ngân Sơn được xác định chi sai nhiều nội dung khi khắc phục, nạo vét vào năm 2018. (Ảnh: TRẦN TUYẾN).

Năm 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn quyết định đầu tư công trình khắc phục, nạo vét công trình hồ thủy lợi Bản Chang, tại huyện Ngân Sơn với tổng mức đầu tư gần hai tỷ đồng. UBND tỉnh giao Công ty làm chủ đầu tư. Công trình được phê duyệt quyết toán vào cuối năm 2020, với tổng vốn hơn 1,7 tỷ đồng nhưng đã nhanh chóng “lộ ra” nhiều sai phạm.

Theo kết quả thanh tra của ngành chức năng, công trình nằm cách trung tâm huyện Ngân Sơn 8 km, do đó bê-tông thương phẩm sẽ phải được vận chuyển đúng khoảng cách này. Tuy nhiên, Công ty đã nghiệm thu, quyết toán cho nhà thầu cước vận chuyển không đúng với quy định của tỉnh, do đó đã chi sai cho nhà thầu hơn 12 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty còn nghiệm thu, quyết toán trùng nội dung công việc xúc đá sau khi phá và đào phá đá bằng búa căn; không trừ khối lượng tận dụng đất cấp 3 để đắp. Nghiệm thu, quyết toán trùng còn lặp lại ở việc Công ty nghiệm thu, quyết toán nội dung công việc phụ kiện ống bơm nước khối lượng 70m trong khi nội dung này đã có trong thành phần ca máy bơm nước.

Việc nghiệm thu, quyết toán trùng còn diễn ra ở những công trình khác do Công ty triển khai. Công trình đập, kênh Tông Liên, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn có tổng mức đầu tư hơn 540 triệu đồng. Công ty nghiệm thu, quyết toán nội dung bốc xếp phế thải các loại khối lượng hơn 27m3 trong khi nội dung này đã có trong phần công việc phá dỡ tường xây.

Tương tự, tại công trình đập, kênh Nà Lầu, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, Công ty quyết toán khối lượng máy bơm nước 15 ca trong khi theo khoản 5, điều 7, Thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10-3-2016 của Bộ Xây dựng thì trong chi phí hạng mục chung đã có nội dung chi phí bơm nước. Sở Tài chính Bắc Kạn mới chỉ kiểm tra xác xuất ba công trình này thì đã phát hiện Công ty chi sai quy định hơn 53 triệu đồng. Với việc lặp đi, lặp lại hành vi sai phạm tương tự thì rõ ràng dư luận không khỏi băn khoăn, từ năm 2016 đến nay, Công ty này sửa chữa, xây dựng nhiều công trình thì việc nghiệm thu, quyết toán sẽ ra sao, chất lượng thi công thế nào?

Có lẽ cũng hiếm Công ty 100% vốn Nhà nước nào lại quy định mức chi cho các đoàn kiểm tra công trình một cách cụ thể như Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn. Năm 2019, Công ty ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó quy định: Chi các đoàn kiểm tra, làm việc trên các công trình trong hệ thống thủy lợi Bắc Kạn cho các đại biểu mức chi 200.000 đồng/người. Theo Sở Tài chính Bắc Kạn, nội dung này là vô căn cứ và không phù hợp với quy định hiện hành.

Công ty hiện có vốn điều lệ 305 tỷ đồng, trong đó, giá trị các công trình thủy lợi tạm tính là 289 tỷ đồng và vốn đầu tư, xây dựng trụ sở, trang thiết bị ban đầu, vốn lưu động là 16 tỷ đồng. Công ty bảo toàn và phát triển được vốn chủ sở hữu, nợ phải trả ngắn hạn thấp tuy nhiên việc thu, chi, hạch toán lại không rõ ràng.

Cụ thể, công ty hạch toán kết chuyển lỗ lãi thu, chi sự nghiệp (trợ cước, trợ giá) và tập hợp chi phí quản lý vận hành công trình mà không có chứng từ gốc. Đối với các chứng từ chi phí vật liệu sửa chữa thường xuyên thì không có hợp đồng, nghiệm thu bàn giao vật liệu, thanh lý hợp đồng. Người nhận tiền tại phiếu chi cũng không phải là người mua hàng hoặc người bán ghi trên hóa đơn, cũng không có chứng từ xác định tiền đã chuyển đến người mua hoặc người bán hàng hay chưa. Một số đối tượng không phải là người bán vật tư, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, như: Tổ giúp việc bão lũ năm 2018, Sở Tài chính Bắc Kạn… cũng được Công ty hạch toán vào một số nghiệp vụ kinh tế phát sinh không đúng quy định.

Được giao quản lý tài sản cố định là các công trình thủy lợi nhưng Công ty không theo dõi giá trị hao mòn hằng năm của từng tài sản theo quy định. Công ty cũng không ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; không mở sổ theo dõi, không kiểm kê tài sản cố định và công cụ, dụng cụ… Công ty cho nhiều đối tượng tạm ứng nhưng đa số đều hoàn ứng quá một năm tài chính, cá biệt có những trường hợp tạm ứng từ 2017 đến 2019 nhưng không hoàn ứng theo quy định, Công ty cũng không trừ lương của các đối tượng này theo quy định tại chính quy chế của công ty. Ứng một đằng, chi một nẻo là chuyện diễn ra ở Công ty này. Đơn cử, tại phiếu thu số 49, ngày 1-12-2017 ghi nội dung hoàn ứng phiếu chi số 429 nhưng công ty lại không xuất trình được phiếu chi số 429 này. Hay như, ngày 2-1-2019, ông Nguyễn Văn Xô ký hợp đồng cho công ty thuê địa điểm làm văn phòng Trạm quản lý thủy nông TP Bắc Kạn nhưng đến ngày 29-5-2019 lại chi tạm ứng tiền thuê nhà cho ông Dương Văn Hải?

Thường xuyên sửa chữa, xây dựng công trình thủy lợi, phải phát hành hồ sơ mời thầu nhưng điều bất thường là công ty thu tiền bán hồ sơ mời thầu không lập hóa đơn GTGT theo quy định, không nộp thuế. Từ 2017 đến 2019, Công ty đã bán hồ sơ mời thầu được 29 triệu đồng nhưng hiện không biết số tiền này đi đâu. Nghiêm trọng hơn, công ty còn thanh toán lương theo sản phẩm cho nhiều cán bộ đang hưởng lương theo thời gian để thực hiện công việc thường kỳ. Tại phiếu chi số PC00494, ngày 27-12-2017, Công ty thanh toán chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình sửa chữa thường xuyên cho 11 người thì trong đó có đến bảy người đã được hưởng lương theo thời gian. Phiếu chi số PC24, ngày 31-1-2019, Công ty thanh toán chi phí giám sát công trình cho ông Nguyễn Xuân Bính và Dương Quang Khánh số tiền gần 20 triệu đồng, trong khi hai ông này đều đã hưởng lương theo thời gian. Điều kỳ lạ hơn là công ty thuê một xe ô-tô để phục vụ nhiệm vụ, trong hợp đồng thuê không quy định Công ty phải thay thế, sửa chữa, thế nhưng, Công ty này vẫn thanh toán tiền thay thế màn hình DVD, thảm chân, thay giảm xóc, đèn gầm, tổng phanh, mua mới lốc điều hòa… với trị giá hơn 118 triệu đồng.

Những bất thường trong quản lý tài chính của công ty còn thể hiện ở việc từ năm 2017-2019 công ty không công khai báo cáo tài chính sáu tháng và ý kiến, kiến nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính về báo cáo tài chính, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Những dấu hiệu sai phạm nói trên mới chỉ là đến từ việc kiểm tra xác xuất, chưa toàn diện đối với Công ty. Đến việc xe đi thuê, không quy định công ty phải thay thế, sửa chữa mà công ty còn chi tiền để sửa chữa, thay thế phụ tùng thì không hiểu những hoạt động chi khác, chất lượng xây dựng cơ bản của Công ty này sẽ thế nào? Câu hỏi này xin dành cho các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn tìm hiểu, làm rõ.