Cần hiểu đúng về xã hội hóa giáo dục, tránh lạm thu

NDO -

NDĐT - Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT hiện vẫn còn tình trạng chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục.

(Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)
(Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)

Theo ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính - Bộ GD-ĐT, năm nào cũng vậy, mỗi dịp đầu năm học mới vấn đề lạm thu lại tái diễn, mặc dù các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và có hình thức kỷ luật rất thích đáng.

Ông Trần Tú Khánh lý giải: Khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang gặp phải vấn đề khá nghiêm trọng đó là chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, để xảy ra tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền như ở Hải Phòng, Thanh Hóa...

Ông Khánh cho biết, để hạn chế “nở rộ” các khoản thu đầu năm, Bộ GD-ĐT năm nào cũng chủ động ban hành rất sớm các văn bản để hạn chế lạm thu. Năm nay, ngay từ tháng 3 đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu. Trong đó nêu các vấn đề cụ thể, yêu cầu các cơ quan quản lý từ địa phương, sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, đặc biệt đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, vừa rồi, vẫn tái diễn tình trạng lạm thu ở đây đó trên nhiều địa phương cho thấy tư duy, cách thức thu và quản lý tài chính huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh, các nhà tài trợ.

“Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện” – ông Khánh nói.

Văn bản 1029 của Bộ GD-ĐT gửi tất cả các địa phương có nhiều nội dung, đặc biệt trong đó có nội dung chấn chỉnh tình trạng lạm thu, yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ, từ kế hoạch năm học, kế hoạch kêu gọi, tài trợ, xã hội hóa, tất cả các vấn đề liên quan đến thu chi năm học để quán triệt trước và đầu năm học.

Cùng văn bản 1029, Bộ GD-ĐT đã rà soát để sửa đổi Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 29 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là Thông tư 55 để tránh tình trạng các cơ sở giáo dục, địa phương mượn danh nghĩa Hội cha mẹ học sinh để thu các khoản thu không đúng quy định.

Thông tư 55 quy định rõ những gì Hội cha mẹ học sinh được làm, những gì không được làm. Chẳng hạn, Hội cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động chứ không thu các khoản quyên góp, tài trợ các việc để chi các chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học. Điều này, trong Hội cha mẹ học sinh nhiều người cũng chưa nắm được, hoặc hiểu chưa rõ về trách nhiệm quyền hạn của mình mặc dù qua truyền thông đã thông tin rộng rãi. Hiện nay, Bộ đang lấy ý kiến rộng rãi để bổ sung, sửa đổi thông tư 55. Bên cạnh Thông tư 55, Thông tư 29 để giải quyết những vấn đề kêu gọi, cho biếu, tặng, tài trợ...

Tuy nhiên, theo Trần Tú Khánh, để chấm dứt tình trạng lạm thu, việc thu lợi dụng danh nghĩa hội cha mẹ học sinh, tạo ra môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh thì cần có sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục địa phương, đặc biệt là Sở GĐ-ĐT phải gánh một phần trách nhiệm. Bên cạnh đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh cả nước cần hiểu đúng về huy động các nguồn thu từ xã hội. Ngoài các khoản thu kêu gọi xã hội hóa và tài trợ, nhà trường cũng rất cần sự ủng hộ của hội phụ huynh học sinh tùy mức độ khả năng của từng gia đình; nhưng tuyệt đối cấm các khoản thu áp đặt, cào bằng. Đặc biệt, nhà trường phải công khai minh bạch với các khoản thu này.