Những bước đi đầu tiên
Đầu tháng 10/2023, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến Virtual Art Exhibition Space - VAES với kiến trúc mô phỏng hình bông sen cách điệu.
Đây là không gian trưng bày ảo đầu tiên của Việt Nam, cho phép bảo tàng và tác giả triển lãm các bộ sưu tập của mình theo cách giống như các phòng tranh vật lý hiện nay.
Bằng cách quét mã QR hoặc truy cập đường link https://vnfam.trienlamao.net, người xem sẽ bước vào “bảo tàng ảo” đầu tiên này và có hành trình tham quan giống như thật với các bước di chuyển trong không gian ảo, đến các phòng triển lãm, tìm vị trí tác phẩm, xem tác phẩm và giới thiệu chi tiết từng tác phẩm theo chỉ dẫn.
Với các tính năng điều khiển góc nhìn, phóng to và đặc biệt là tương tác 3D, nền tảng triển lãm trực tuyến mang lại những trải nghiệm hấp dẫn cho người xem.
Xuất phát từ mong muốn xóa nhòa giới hạn về khoảng cách, kết nối không gian, VAES còn chia sẻ thông tin về các tác phẩm nghệ thuật giá trị của Việt Nam đang được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật, cũng như cho thấy phần sức sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ họa sĩ đương đại.
Trên thế giới, việc xây dựng các bảo tàng ảo - nơi "diễn ra" các triển lãm mỹ thuật trực tuyến cũng đã được nhiều bảo tàng nổi tiếng thực hiện. Đây là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay để các bảo tàng có thể tiếp cận với nhiều công chúng hơn nữa.
Với một thiết bị có kết nối internet, bảo tàng ảo giúp mọi người có thể tham quan bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, dù là thành phố hay nông thôn. Những triển lãm mỹ thuật trên nền tảng trực tuyến mang lại những giá trị mới, tích cực trên phương diện quảng bá, truyền thông. Đây cũng là cách hiệu quả để thúc đẩy, khơi gợi tình yêu nghệ thuật với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Theo Giáo sư Susan Bayly (Đại học Cambridge, Vương quốc Anh), triển lãm trực tuyến là sự đổi mới ấn tượng, góp phần tăng cơ hội để các nghệ sĩ Việt Nam giới thiệu tác phẩm của mình tới công chúng quốc tế, cũng như cho thế giới thấy được nền nghệ thuật phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Bảo tàng Metropolitan - một trong những bảo tàng nổi tiếng ứng dụng công nghệ thực tế ảo. |
Thực tế, việc phát triển hình thức bảo tàng trực tuyến, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trên nền tảng trực tuyến không thực sự mới nhưng những trải nghiệm của công chúng vẫn còn khá mới.
Riêng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ năm 2021 đến nay đã ứng dụng công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn).
Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng trong nước cũng đã giới thiệu đến công chúng các triển lãm ảo, các phòng trưng bày trực tuyến dựa trên các bộ sưu tập sẵn có tại bảo tàng. Điển hình như: Tour tham quan 360 độ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hay Bảo tàng Lịch sử quốc gia ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu, trưng bày 3 chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam và Linh vật Việt Nam...
Từ những bước đi đầu tiên này, mô hình bảo tàng trực tuyến được kỳ vọng sẽ có đà tiếp tục phát triển, vừa mang lại cơ hội cho nghệ sĩ sáng tạo, vừa góp phần tạo thêm cơ hội cho công chúng quốc tế tìm hiểu nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, nhất là trong bối cảnh những phương thức tiếp cận nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam còn ít nhiều hạn chế như hiện nay.
Cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ
Với một bảo tàng ảo, khán giả và nhà nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận tác phẩm, xem xét, nghiên cứu về nền mỹ thuật của một quốc gia thuận lợi hơn. Thực tế, lâu nay thông tin về sáng tác mới của các họa sĩ Việt ít khi được biết đến rộng rãi bởi thiếu vắng những kênh quảng bá hiệu quả.
Thiếu thông tin, chưa nhiều kênh quảng bá là một trong những lý do khiến tranh Việt bị sao chép rất nhiều, đặc biệt là những bức tranh có giá trị cao. Việc các tác phẩm mỹ thuật được trưng bày trên những triển lãm trực tuyến, có uy tín sẽ là cơ hội để các nghệ sĩ quảng bá những sáng tác của mình.
Tuy nhiên, chính việc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật trong không gian của các triển lãm trực tuyến cũng phải đối mặt với một số vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền, bảo vệ dữ liệu...
Vì thế, bên cạnh chuẩn bị nền tảng về cơ sở vật chất, con người, cần một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để sự ra đời các triển lãm mỹ thuật trực tuyến đáp ứng tốt nhất yêu cầu giáo dục, giải trí và thưởng thức ngày càng cao của công chúng.
Bản quyền là một trong những "bài toán" khó của các triển lãm mỹ thuật trực tuyến. |
Nhiều chuyên gia cho rằng, để việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động triển lãm đạt hiệu quả, cần có các quy định pháp luật cụ thể về đầu tư công cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng; quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công tư và cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa; quy định về bản quyền công nghệ, bản quyền hình ảnh hiện vật...
Sự phát triển của các nền tảng triển lãm mỹ thuật trực tuyến đặt ra các vấn đề pháp lý phức tạp và chắc chắn sẽ mất không ít thời gian để luật thích ứng với thực tiễn.
Để tránh các vấn đề nảy sinh liên quan đến sở hữu trí tuệ, trước mắt, cần ưu tiên một số việc như: Xác định chủ sở hữu quyền và nếu có, xin phép số hóa tác phẩm, cung cấp miễn phí trên mạng; khuyến khích sử dụng dữ liệu mở…