Cần giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối trong điều trị sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm dẫn tới tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện trung ương. Tại TP Hồ Chí Minh, thực trạng này dẫn đến việc sàng lọc bệnh, cũng như nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác tại các bệnh viện tuyến trên ngày càng cao, ảnh hưởng đến chất lượng khám và điều trị bệnh.

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 100 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó số trường hợp nhập viện là hơn 43.000. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 7, số ca sốt xuất huyết được báo cáo là 6.456 ca, tăng 123% so với tháng 6, trong đó có 3.696 ca nội trú và 2.760 ca ngoại trú. Tính đến hết tháng 7, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy trong bảy tháng qua là 31.787 ca ( gồm 18.255 ca nội trú và 13.532 ca ngoại trú), tăng 160% so với cùng kỳ năm 2018. Trong các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang điều trị nhiều nhất. Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện bệnh viện đang điều trị 200 ca sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 7, có thời điểm, bệnh viện điều trị gần 300 ca sốt xuất huyết, chiếm gần 50% số giường bệnh của bệnh viện. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, số người bệnh nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là 5.816. Bác sĩ Trương Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố cho biết, việc tiếp nhận quá nhiều ca mắc sốt xuất huyết khiến nhiều lúc bệnh viện quá tải, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc vất vả để sàng lọc bệnh, chữa trị cho người bệnh. Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng là một trong những bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố tiếp nhận nhiều người bệnh mắc bệnh sốt xuất huyết. Hiện bệnh viện đang điều trị 57 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, số người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hơn 2.000 ca. Trước số người bệnh nhập viện quá đông, các bệnh viện đã phải chuyển một số ca bệnh không lây nhiễm qua phòng khác để có thể điều trị cho các người bệnh từ tuyến dưới chuyển về.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, hơn 80% số ca mắc sốt xuất huyết là nhẹ. Chính vì thế, các bệnh viện tuyến tỉnh, quận, huyện đều có khả năng điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết. Việc người bệnh tập trung chuyển về tuyến trên sẽ gây ra tình trạng quá tải, ảnh hưởng ít nhiều đến việc sàng lọc, kiểm soát bệnh. Việc tập trung điều trị tại bệnh viện tuyến cuối sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác, khiến bệnh càng nặng hơn. Trên thực tế, nhiều người bệnh mắc sốt xuất huyết bị chết do lây nhiễm thêm nhiều bệnh khác khi điều trị tại các bệnh viện quá tải.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì các Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 là những bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của khu vực, cho nên lượng bệnh chuyển đến rất cao. Hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đang trong giai đoạn sửa chữa lớn, vì thế Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn hạn chế chuyển bệnh đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Sở Y tế cũng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo đến các bệnh viện trong tỉnh biết để hạn chế chuyển bệnh đến Bệnh viện Nhi đồng 1 và nếu có chuyển thì phải báo trước để bố trí kịp thời. Hiện Bệnh viện Nhi đồng thành phố với cơ ngơi rộng rãi, lại ít người bệnh cho nên việc chuyển người bệnh đến bệnh viện này sẽ góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối còn lại.

Tại hội nghị phòng, chống bệnh sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 7 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, để giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát quy trình khám, điều trị đối với người bệnh sốt xuất huyết, bố trí khu khám sàng lọc linh hoạt nhằm đáp ứng tình hình dịch. Ðối với người bệnh phải nhập viện điều trị cho nên sắp xếp các người bệnh có cùng phân độ vào một khu và có chỉ thị mầu đối với từng phân độ người bệnh nặng, bệnh án nặng nhằm tăng sự lưu ý khi điều trị đặc biệt là theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời. Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, bệnh viện tuyến trên cũng cần cử cán bộ tăng cường hỗ trợ chuyên môn tại chỗ cho tuyến dưới, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh sốt xuất huyết tại tuyến dưới, góp phần hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên. Một trong những khâu quan trọng trong việc giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối đó là công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, hiệu quả hơn. Bên cạnh việc phòng, chống sốt xuất huyết, công tác truyền thông cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mức độ bệnh để có thể yên tâm điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới, chỉ những trường hợp nặng mới cần chuyển lên tuyến trên. Có thế, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối mới cơ bản được giải quyết, qua đó giúp cho công tác điều trị, kiểm soát bệnh sốt xuất huyết được tốt hơn, làm hạn chế các ca tử vong.