Cần giải pháp nâng cao giá trị bưởi Tân Triều

Dịp Tết Nguyên đán năm nay thay vì phấn khởi chờ đón mùa thu hoạch bưởi lớn nhất xuất bán ra thị trường, thì nhiều hộ dân vùng trồng bưởi đường lá cam Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã bán hết từ trước đó.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga thu hoạch bưởi để bán ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga thu hoạch bưởi để bán ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nguyên nhân chính do kinh tế khó khăn, ít đơn hàng cho nên người dân chủ động bán bưởi từ sớm, chỉ còn một số vườn bưởi quy mô vừa và nhỏ được người dân chăm chút để bán ra thị trường thời điểm Tết.

Người dân vùng Tân Triều thường ví sự ngon lành của bưởi là “tứ tuyệt”, tức là nhiều nhất, ngon nhất, quý nhất, danh tiếng nhất.

Nông dân thấp thỏm

Với diện tích hơn 3ha, ông Ngô Văn Sơn là người trồng bưởi nổi tiếng ở vùng Tân Triều, ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Lão nông này cũng là “cha đẻ” của bưởi hồ lô in chữ bán trong dịp Tết những năm trước đây rất thu hút khách hàng đến mua. Tuy nhiên, năm nay ông Sơn không còn để bưởi xuất bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán và cũng “đoạn tuyệt” với bưởi hồ lô vì không có khách đặt.

Theo ông Sơn, trước đây hầu hết bưởi đường lá cam chỉ trồng ở Tân Triều và thương hiệu bưởi Tân Triều gắn với bưởi đường lá cam. Thế nhưng, những năm gần đây, người dân các địa phương khác trên địa bàn ồ ạt trồng loại bưởi này khiến cung vượt cầu. Cùng với đó, khoảng 4 năm qua giá bưởi đường lá cam luôn duy trì ở mức thấp, trung bình chỉ khoảng 20 nghìn đồng/kg.

Từ ngày 30/1 (tức 20 tháng Chạp) bà Nguyễn Thị Nga, ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình bắt đầu thu hoạch bưởi để bán Tết. Tuy nhiên, năm nay do thương lái trả giá thấp cho nên bà Nga quyết định tự thu hoạch và bán lẻ cho khách. Là một trong ít hộ ở vùng Tân Triều có nhiều bưởi đường lá cam để bán Tết, bà Nga kỳ vọng sáu sào bưởi của gia đình bán được giá cao dịp Tết. Tuy nhiên, trên thị trường có nhiều thông tin về giá bưởi Tân Triều cho nên nhìn chung giá bán thấp hơn mọi năm.

Theo bà Nga, đặc sản bưởi đường lá cam Tân Triều thơm ngon mà không nơi nào có được: “Vùng trồng bưởi Tân Triều nằm ngay ven sông Đồng Nai được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng để trồng bưởi. Thế nhưng việc lẫn lộn bưởi Tân Triều với các vùng khác và do tình hình kinh tế khó khăn, mấy năm nay nông dân cũng bấp bênh, cây bưởi làm ra bán không có giá như trước đây”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 10 nghìn ha trồng bưởi. Trong đó, vùng trồng bưởi Tân Triều tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Bình, Bình Hòa, Bình Lợi, Thiện Tân và Tân An của huyện Vĩnh Cửu.

Đây là những xã nằm trên dải đất phù sa dọc theo sông Ðồng Nai, đất được bồi tụ bởi phù sa, giàu dinh dưỡng, rất thích hợp cho cây bưởi sinh trưởng và phát triển. Vùng Tân Triều có hơn 20 giống bưởi, trong đó có một số giống bưởi chất lượng cao được ưa chuộng như: Ðường lá cam, đường da láng, bưởi ổi, bưởi đường núm... Bưởi Tân Triều đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cũng là thương hiệu trái cây nức tiếng, được xem là đặc sản của Đồng Nai.

Nâng cao giá trị

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hồ Thị Sự cho biết, bưởi Tân Triều là một trong những đặc sản nổi tiếng từ xưa đến nay. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để người dân giữ gìn, phát huy giá trị bưởi Tân Triều.

Để phát huy đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai, trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nông dân về vay vốn ưu đãi, giống, khoa học kỹ thuật, kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để thứ nhất là tăng giá trị. Qua đó, góp phần khẳng định vị trí, chỗ đứng của bưởi Tân Triều nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai nói chung.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, vùng bưởi Tân Triều hình thành từ những năm sau 60 của thế kỷ 20. Ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp với cây bưởi, thì yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng và thương hiệu bưởi Tân Triều.

Người dân Tân Triều có kinh nghiệm trồng bưởi hàng chục năm, phần lớn rất tâm huyết với nghề. Cây bưởi đã mang lại cho họ nguồn thu nhập cao và ổn định trong những năm qua. Cùng với đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được các nhà vườn ứng dụng vào trồng, chăm sóc đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Để nâng cao giá trị bưởi Tân Triều, các ngành liên quan và nông dân cần quan tâm đến ba yếu tố chính, đó là: Tiếp tục chọn lọc giống, bảo đảm quy trình canh tác và quản lý tốt chỉ dẫn địa lý.

Khí hậu, thổ nhưỡng đã giúp tỉnh Đồng Nai có đặc sản bưởi Tân Triều. Để nâng cao giá trị, giúp sản phẩm bưởi Tân Triều có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, thiết nghĩ ngành chức năng cần đề ra chiến lược phát triển sản xuất bài bản, có giải pháp bảo vệ thương hiệu. Phía người nông dân cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn và phát triển thương hiệu riêng có của bưởi Tân Triều.