Gần đây, tại diễn đàn Quốc hội, một lần nữa, vấn đề tiền lương tối thiểu và cải cách tiền lương lại được các đại biểu Quốc hội nhắc đến mạnh mẽ. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mức tiền lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Nguyên tắc trả lương phải bảo đảm một người đi làm, ngoài việc nuôi bản thân phải nuôi được thêm một người nữa, như vậy mới mong đủ tiền để còn nuôi con, nuôi cha mẹ già.
Cùng vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn tính lương kiểu bình quân chủ nghĩa. Mức sống tối thiểu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là 6,5 triệu đồng/người, nhưng một kỹ sư tốt nghiệp đại học ra trường, nhận mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng, viên chức 2,2 triệu đồng.
Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng thấp vừa điều chỉnh lên 4,2 triệu đồng. Như vậy, mức lương của công chức hiện nay thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, do đó vấn đề đặt ra sớm cải cách, điều chỉnh tiền lương là điều cấp thiết.
Tuy nhiên, điều các đại biểu Quốc hội quan tâm là khi thực hiện cải cách tiền lương, nếu chỉ nâng mức lương cơ bản thì đối với những người lao động trẻ, mới đi làm, có hệ số thấp, vốn không có tích lũy, không đủ sống để nuôi gia đình. Trong khi đây là lực lượng lao động chính, cần tích lũy vốn để xây dựng gia đình, sinh con…
Hơn nữa, họ chính là lực lượng dám đột phá, năng động sáng tạo, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Có một nghịch lý là, có những người trẻ có nhiều sáng kiến, cống hiến lại nhận mức lương thấp hơn rất nhiều những người có thâm niên cao, nhưng làm việc không xuất sắc. Hơn nữa, việc cải cách tiền lương còn là mấu chốt để giữ nhân tài, không bị chảy máu chất xám trong khu vực công như hiện nay.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình): Chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động cần được cải thiện và không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà cần có giải pháp đột phá. Theo đại biểu này, việc đầu tư cho con người là đầu tư cho lâu dài, vì sự tăng trưởng bền vững, công việc này cần được tiến hành ngay từ thời điểm này. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách còn nhiều khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng cần sự cảm thông, chia sẻ.
Tuy nhiên, trong thời điểm chưa tiến hành cải cách tiền lương cần ưu tiên tăng lương cho những người có mức lương quá thấp, không đủ bảo đảm cuộc sống, nhất là trong ngành giáo dục và y tế, điều đó giúp giữ chân người lao động.
Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã nêu rõ giải pháp về “xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm”, “tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước”.
Có thể nói, đây là giải pháp căn bản, quan trọng mang tính tiền đề nhằm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách đồng bộ.
[Infographic] 9 nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở từ 1/7/2023
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua thời điểm và phương án điều chỉnh tăng lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành).
Được biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ Nghị quyết về thực hiện Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị.
Trong đó có nhiệm vụ xây dựng, ban hành bảng lương chức vụ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sửa đổi mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh. Hiện, Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt Bộ Nội vụ tham mưu hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Chúng ta tin tưởng trong những năm tới, khi bức tranh kinh tế khởi sắc, việc bắt đầu thực hiện lộ trình cải cách tiền lương với mục tiêu “bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” sẽ làm ấm lòng cán bộ, công chức, viên chức trong khối hành chính, sự nghiệp nhà nước.
Cải cách tiền lương không chỉ đạt mục tiêu bảo đảm ổn định cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức mà còn để họ yên tâm cống hiến, mang lại hiệu quả công việc đóng góp vào thành tựu chung trong quá trình phát triển đất nước.