Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tăng cường các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, Chính phủ đã vận động linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các giải pháp xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, trong đó ngoại giao vaccine đã góp phần giúp Việt Nam có số lượng lớn vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người dân.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ lo lắng dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dịch đang lan rộng, một số địa phương tăng từ cấp 1 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 3.
Trong bối cảnh đó, việc chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt, bình thường mới đang đặt ra các vấn đề cần phải tập trung giải quyết, trong đó người dân tiếp tục là chủ thể phải thích ứng. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần có giải pháp nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng.
Để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, đại biểu Thái Thu Xương đề xuất xây dựng chương trình chống dịch tổng thể với đầy đủ nguồn lực kể cả về con người và vật chất, trong đó tập trung cho khâu điều trị.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, điều kiện hỗ trợ, đồng thời nghiên cứu hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho lao động tự do, bởi ngân sách địa phương đã dành phần nhiều cho công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó là điều chỉnh các chính sách hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm sức khỏe, động viên tinh thần hơn nữa lực lượng này.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cũng đề nghị, cần có chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người tham gia phòng, chống dịch, người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo đại biểu, việc xây dựng chính sách cần khảo sát, đánh giá tác động, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, dự kiến nguồn lực, thời điểm thực hiện phù hợp để Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế, an sinh xã hội.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ tiêm phòng ở một số địa phương còn thấp, đại biểu nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành chiến lược phòng, chống dịch và văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất, phù hợp mục tiêu kép trong tình hình mới, đồng thời cần có nhận định, đánh giá đúng mức kết quả thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm an toàn để phát triển bền vững.
Đề nghị sớm đánh giá lại hiệu quả quy định thích ứng an toàn
Cho rằng công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu thực trạng trong đợt dịch thứ tư, người lao động ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trở về quê rất đông, khiến tình hình khó kiểm soát và quản lý, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Số ca mắc những ngày gần đây vẫn tăng, trong khi chi phí xét nghiệm còn nhiều bất cập, hạn chế.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên xem xét, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, để từ đó có điều chỉnh phù hợp, nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh, giảm số ca mắc và số ca tử vong trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Từ thực tế người dân từ các tỉnh phía nam trở về quê, dù nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và được cách ly tại nhà nhưng do điều kiện không bảo đảm, ý thức hạn chế nên đã làm lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người chung quanh, phát sinh các ổ dịch khó kiểm soát, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị những nơi có điều kiện vẫn nên triển khai cách ly tập trung để tránh lây lan cho cộng đồng.
Mở cửa an toàn nhưng không chủ quan
Từ kinh nghiệm tham gia chống dịch tại nhiều địa phương, đồng thời tham khảo thực tế ở các nước châu Âu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu kiến nghị, hiện nay, Việt Nam đã không còn theo đuổi chiến lược "zero Covid", vì vậy, không cần cách ly đại trà diện rộng với F1, F2, F3, bởi nếu F1 đã âm tính thì không còn F2, F3. Việc mở cửa phải từ từ nhưng nhất quán, dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng chứ không mở cửa dựa vào cảm tính.
“Chúng ta cần trở lại cuộc sống bình thường thông qua việc tuân thủ các quy tắc sống an toàn với dịch bệnh. Người dân không sợ Covid-19, nhưng cũng không thể chủ quan để dịch bùng phát diện rộng”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu.
Đại biểu kiến nghị cần tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ nhóm dân số nguy cao nếu bị Covid-19 tấn công, như người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai..., đồng thời phải có biện pháp bảo vệ các cơ sở y tế, viện dưỡng lão để không trở thành ổ dịch. Đặc biệt, ngành y tế cần sớm tiêm phủ vaccine mũi 1 cho đại bộ phận dân số, bởi khi tiêm mũi 1 cũng đã giảm tỷ lệ tử vong rất cao, sau đó mới tính đến mũi 2, mũi 3.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đề nghị triển khai ứng dụng trong việc phát hiện, theo dõi, điều trị Covid-19 trên toàn quốc, không để xảy ra tình trạng cục bộ, "đầu voi đuôi chuột" như những phần mềm trước đây.
Theo đại biểu, rào cản lớn nhất chính là cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất các quy định, quy trình chưa tường minh, dẫn đến hiệu quả còn khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của công nghệ thông tin. Do đó, đại biểu đề xuất nên lấy tiêu chí đơn giản và rộng mở để triển khai ứng dụng, để bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất và có thể thích ứng, tích hợp với tất cả các phần mềm sẽ triển khai trong tương lai.