Cần Đước giữ vững danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa

Những năm gần đây, huyện Cần Ðước (tỉnh Long An) đã vận dụng, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội. Bằng việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng thuận, huyện phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và cộng đồng tạo đột phá trong xây dựng hạ tầng và diện mạo mới cho nông thôn, đô thị. Môi trường văn hóa chính là chất xúc tác tạo nên công trình mới, thành công mới.
0:00 / 0:00
0:00
Ngã Tư Rạch Kiến - một di tích lịch sử cách mạng ở huyện Cần Ðước.
Ngã Tư Rạch Kiến - một di tích lịch sử cách mạng ở huyện Cần Ðước.

Tháng 8/2015, huyện Cần Ðước được công nhận là huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh, chín năm qua, huyện vẫn giữ vững danh hiệu này. Tuy nhiên, làm sao để phát huy giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương luôn là mối quan tâm, trăn trở của tập thể lãnh đạo huyện. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ: Từ năm 2020, huyện đã phối hợp với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm “Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội”.

Một trong những nội dung chính của tọa đàm này là làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng trong phát triển văn hóa-xã hội và bài học kinh nghiệm rút ra từ phong trào xây dựng nông thôn mới; từ đó, xác định hướng đi và nhiệm vụ cụ thể của địa phương. Giải pháp quan trọng được đề xuất là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức giá trị văn hóa trong toàn hệ thống chính trị, quản lý, khai thác hiệu quả các di sản văn hóa.

Cần Ðước có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có thể kể tới các di sản văn hóa, di tích lịch sử như Nhà trăm cột, Ðồn Rạch Cát, hệ thống lăng mộ và đền thờ các bậc tiên hiền mở cõi có giá trị khảo cứu, nghiên cứu lịch sử. Bên cạnh đó là hệ thống di tích lịch sử cách mạng và các làng nghề truyền thống. Cần Ðước còn được biết đến là cái nôi của nghệ thuật “đờn ca tài tử”. Như vậy, có thể thấy huyện có một kho tàng văn hóa lớn mà chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, huyện xác định phát huy truyền thống văn hóa trong thực thi công vụ và cộng đồng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kết quả, huyện giữ vững và nâng cao nhiều tiêu chí huyện, xã văn hóa, nhất là cảnh quan môi trường nông thôn, đô thị luôn bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.

Tình làng nghĩa xóm được phát huy trong dịp đại dịch Covid-19 bùng phát đã hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xã hội. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được chăm lo giúp đỡ từng bước thoát nghèo bền vững. Các mô hình học và làm theo Bác Hồ, gương làm ăn kinh tế giỏi, phát triển du lịch gắn với kinh nghiệm và thực tiễn, xây dựng nông thôn mới nâng cao ngày càng đi vào nền nếp và có hiệu quả.

Văn hóa công vụ được nâng cao với việc các cấp ủy đảng chỉ đạo giải quyết tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhiều năm qua không phát hiện vụ việc tham nhũng trên địa bàn huyện. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu gắn với nhiều hoạt động thực tiễn từ cơ sở.

Có thể kể đến các mô hình “Tôi làm theo Bác” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; mô hình “Dân vận khéo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động đến 17 xã, thị trấn trong huyện. Ðảng bộ, cơ quan chính quyền thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến và giải pháp mới trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính.

Tiêu biểu có mô hình công tác tiếp nhận và trả hồ sơ theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” bảo đảm giải quyết hồ sơ đúng quy định, quy trình phục vụ nhanh chóng, kịp thời được người dân đánh giá cao.

Có thể nói phong trào nêu gương, đi đầu của cán bộ, đảng viên được thể hiện ở nhiều khóm, ấp đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong hệ thống chính trị cơ sở ở Cần Ðước. Như câu chuyện mới đây ở xã Tân Trạch, huyện Cần Ðước. Xã vừa tổ chức lễ khánh thành con đường liên ấp 4A-4B, với tổng chiều dài 1,2 km, rộng 3,5m, tổng kinh phí thực hiện công trình là hơn một tỷ đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 55 triệu đồng, còn lại do người dân đóng góp tiền mặt và hơn 300 ngày công. Trong ngày vui có con đường mới, nhiều người dân nhớ lại trước đây tuyến đường này nhỏ hẹp, bụi bẩn, giao thông đi lại khó khăn, nhờ có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị mới có được thành quả hôm nay.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng ấp 4A, xã Tân Trạch chia sẻ: Trong ngày Ðại đoàn kết năm 2023, xã ý định xây dựng con đường liên ấp song cũng nêu ra những khó khăn về ngân sách, kinh phí. Bất ngờ là ngay trong ngày Ðại đoàn kết đó, các đồng chí đảng viên trong hai chi bộ ấp 4A và 4B đã khẳng định quyết tâm chỉ cần xã đề ra chủ trương thì nhất định sẽ làm được.

Qua vận động tuyên truyền trong một thời gian ngắn, người dân có sự đồng thuận cao và tích cực hưởng ứng hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để thực hiện công trình. Con đường hoàn thành vượt kế hoạch. Trước đây chỉ có thể đi được bằng xe máy, đến nay tuyến đường liên ấp đã có thể đón ô-tô tải 1,5 tấn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Sự đoàn kết, chung lòng của người dân xã Tân Trạch là minh chứng rõ nét cho tính hiệu quả, thiết thực của Nghị quyết về nâng cao chất lượng huyện điểm điển hình về văn hóa được Huyện ủy Cần Ðước ban hành từ nhiều năm về trước. Một trong những điểm nổi bật của nghị quyết này là tập trung khơi dậy truyền thống văn hóa vốn có của người Cần Ðước. Nét văn hóa đó được miêu tả bằng hai từ “hào hoa” và “nghĩa hiệp”.

Thật vậy, nhìn lại lịch sử mở cõi, vùng đất là huyện Cần Ðước hiện tại mới chỉ có 300 năm xây dựng và phát triển. Trong quá trình mở đất, mở cõi, ba dân tộc anh em là Kinh, Khmer, Hoa đã quần tụ tại nơi đây và lưu giữ nét đặc sắc nhất trong truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Ðể có thể an cư trên vùng đất mới, người dân đề cao tinh thần tương thân, tương ái, họ cũng thể hiện tình yêu thương, gắn bó với vùng quê mới.

Người dân Cần Ðước thuở xưa cũng nổi tiếng với nghề buôn bán trên sông, biển và qua đó cũng để lại dấu ấn tính cách phóng khoáng, cởi mở, ưa cái mới lạ. Cần Ðước còn được biết đến là quê hương của nghệ thuật đờn ca tài tử và không gian văn hóa ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn, làm nổi danh nhiều nghệ sĩ.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ngô Văn Tiếng chia sẻ bí quyết vận động, tuyên truyền nhân dân ở Cần Ðước là “chỉ cần nói phải”. Làm phải, nói phải, xây dựng nghị quyết sát với đời sống nhân dân và tình hình địa phương, Ðảng bộ huyện Cần Ðước các nhiệm kỳ vừa qua đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật xứng đáng với danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa.

Trên địa bàn huyện có bốn khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1.200 ha, có tỷ lệ lấp đầy hơn 80%. Việc địa phương quy hoạch được các cụm công nghiệp, khu công nghiệp này cũng được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ phía nhân dân địa phương.

Quá trình vận động người dân nhường đất, hiến đất cũng để lại nhiều bài học quý giá đối với cấp ủy, chính quyền cũng như toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở của huyện Cần Ðước, đó là việc tạo sự đồng thuận trong nhân dân thông qua việc thành lập các Ban chỉ đạo vận động giải phóng mặt bằng. Phương châm làm việc của các ban này là hướng tới tạo sự đồng thuận bằng tình cảm trong dân trước khi phải dùng đến lý lẽ và pháp luật. Quá trình vận động có sự phối hợp tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương thường có tỷ lệ giải quyết, tháo gỡ lên đến hơn 90% “điểm nghẽn” ngay từ cơ sở.

Từ nền tảng văn hóa của vùng đất, con người địa phương, tập thể lãnh đạo huyện Cần Ðước đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết cộng đồng, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tham gia vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Về Cần Ðước hôm nay, du khách được thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử, nền ẩm thực phong phú và được chiêm ngưỡng nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu. Xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương dựa trên thế mạnh của truyền thống văn hóa là bước đi đúng và vững chắc của Ðảng bộ huyện Cần Ðước.