Cần đánh giá đúng chất lượng dịch vụ xe buýt

Chất lượng dịch vụ xe buýt đã có chuyển biến, song với kết quả hơn 99,9% lượt xe buýt trên địa bàn Hà Nội được chấm điểm 5 sao thì chưa phản ánh đúng thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận đúng những hạn chế, yếu kém, thì mới có thể nâng cao chất lượng loại hình vận tải hành khách công cộng quan trọng này.
0:00 / 0:00
0:00

Theo yêu cầu của thành phố Hà Nội, từ ngày 1/1/2022, toàn bộ xe buýt hoạt động trên địa bàn Thủ đô phải tuân theo Bộ tiêu chí quản lý chất lượng xe buýt. Việc ban hành Bộ tiêu chí nhằm khắc phục các hạn chế hiện nay trong quản lý chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, làm cơ sở để doanh nghiệp và Nhà nước quản lý, duy trì chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Theo Bộ tiêu chí, mạng lưới tuyến, tuyến buýt, lượt xe buýt, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được đánh giá theo 5 mức độ, từ một đến năm sao tùy theo số điểm đạt được theo thang điểm 100. Mạng lưới tuyến buýt được đánh giá dựa trên 10 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như: mức độ tiếp cận dịch vụ xe buýt, khoảng cách bình quân giữa các điểm dừng, đỗ ở ngoại thành, chất lượng điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối, khả năng tiếp cận của người khuyết tật, tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng...

Trong số này, hai chỉ tiêu được gọi là “tiên quyết” gồm tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại và chất lượng dịch vụ tuyến. Với từng tuyến buýt, Bộ tiêu chí cũng đưa ra những chỉ tiêu hết sức cụ thể để đánh giá gồm: Chất lượng phương tiện vận hành, chất lượng lao động vận hành, hiệu quả khai thác tuyến và chất lượng dịch vụ lượt vận chuyển.

Từng lượt vận chuyển cũng được đánh giá, xếp sao, tùy thuộc số điểm đạt được căn cứ theo chất lượng phương tiện vận hành của lượt xe, chất lượng lao động vận hành của lượt xe, chất lượng vận hành theo lộ trình và điểm dừng đỗ và chất lượng vận hành theo thời gian biểu chạy xe.

Việc ban hành Bộ tiêu chí những tưởng sẽ giúp đánh giá chính xác hơn về chất lượng xe buýt Thủ đô. Tuy nhiên, thông tin mới đây được công bố lại khiến nhiều người hoài nghi.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, trong số gần sáu triệu lượt xe được đánh giá thì có đến 5.985.000 lượt xe được chấm 5 sao, chiếm tỷ lệ 99,91%; có 4.682 lượt xe được đánh giá 4 sao, chiếm tỷ lệ 0,1%; 134 lượt xe chấm 3 sao, chiếm tỷ lệ 0,002%; chỉ có 2 lượt xe bị chấm điểm 2 sao và 300 lượt xe bị chấm 1 sao, chiếm tỷ lệ 0,005%. Về đánh giá chất lượng dịch vụ tuyến buýt, có tổng số 153 tuyến và nhánh tuyến; trong đó, 38 tuyến và nhánh tuyến đạt 5 sao, chiếm 24,48%; 104 tuyến và nhánh tuyến đạt 4 sao, chiếm 67,3%; 11 tuyến và nhánh tuyến đạt 3 sao, chiếm tỷ lệ 7,84%, không có tuyến và nhánh tuyến bị đánh giá 2 sao và 1 sao.

Kết quả hơn 99,9% lượt xe buýt trên địa bàn Hà Nội được chấm điểm 5 sao đang gây bất ngờ cho nhiều hành khách, nhất là những hành khách đã nhiều năm gắn bó với xe buýt. Anh Lê Văn Tùng ở Hà Đông đánh giá: “Mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội có độ phủ tốt, từ đô thị đến các huyện, thị xã ở ngoại thành, với tần suất chạy xe cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Trong đó có nhiều xe được thay mới, tuy nhiên hơn 99,9% lượt xe được đánh giá chất lượng 5 sao thì dường như chưa đúng với thực tế”. Theo anh Tùng, thời gian chuyến đi của hầu hết các lượt xe buýt đều bị kéo dài, nhất là vào khung giờ cao điểm, rồi nhiều xe vẫn xả khói đen, đi lấn làn, chạy ẩu.

Chị Lê Hoàng Anh ở Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm hằng ngày bằng xe buýt. Nhưng có lần vừa bước lên thì xe rồ ga chạy khiến tôi suýt ngã, từ đấy tôi không dám đi xe buýt nữa. Từ chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ trên xe, đến chất lượng chuyến đi vẫn còn cần phải cải thiện”.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho rằng, kết quả đánh giá cho thấy chất lượng dịch vụ xe buýt năm 2022 chưa cao và nhiều hạn chế. Trong khi đó, tại cuộc họp với các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng đánh giá, chất lượng phục vụ xe buýt hiện đang có vấn đề.

Lãnh đạo Sở chỉ rõ tuyến buýt nào yếu kém, nhất là cung cách, thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe, nhận được rất nhiều phàn nàn của hành khách và báo chí. Không rõ với những tuyến buýt như thế có được lấy ý kiến đánh giá?

Chính vì vậy, nhiều ý kiến bày tỏ, nếu cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp xe buýt không nhìn thẳng vào sự thực, đánh giá đúng bản chất sự việc để từ đó đưa ra các giải pháp chấn chỉnh thì khó có thể cải thiện được chất lượng dịch vụ xe buýt.