Ngày 14/6, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử VietNamNet (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tham dự hội thảo.
Cùng tham dự còn các các đồng chí Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Hoàng Anh Tuấn; Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hiếu.
Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Hội Nhà báo Việt Nam; Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội, các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông; lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương toàn quốc.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS,TS Đặng Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhấn mạnh, sự phát triển của báo chí truyền thông trong bối cảnh mới cũng là một trong những chủ đề chính yếu để trường xây dựng các chương trình đào tạo, các đề tài nghiên cứu cũng như các hoạt động kết nối với cộng đồng báo chí truyền thông trong và ngoài nước.
Đó cũng là định hướng để tạo dựng nội dung hội thảo hôm nay về vấn đề sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016.
Đây là hành lang pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động báo chí phát triển, để quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định, theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Theo bà Đặng Thu Hương, “Diễn đàn báo chí tháng Sáu” và những sự kiện thường niên sẽ cung cấp thêm những tư liệu hữu ích cho cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, cho các cơ quan báo chí và người làm báo cùng hệ thống đào tạo báo chí hiện nay.
Các nền tảng xã hội lấy đi 70% doanh thu báo chí chính thống
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Gary Becker yêu thích và thường trích dẫn câu nói của George Bernard Shaw: "Kinh tế là nghệ thuật tạo nên phần lớn cuộc sống".
“Trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được”, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, Báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023 cho biết, tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí: tỷ lệ tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 39%, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%; đối với phát thanh, truyền hình: tỷ lệ bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.
Doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh truyền hình giảm 23% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 10% so cùng kỳ 2022. |
Theo Thứ trưởng, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm hơn 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là hơn 90%.
"Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.
Ngoài ra, hiện tại các cơ quan báo chí đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay, hằng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Về thu phí nội dung trên báo chí điện tử, Thứ trưởng thông tin hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai gồm: Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022) và một số dạng thu phí kiểu thưởng cho tác giả hay mời tác giả cốc café (Tạp chí Lao động và Công đoàn…). Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho cơ quan báo chí.
Kiến giải tháo gỡ những “nút thắt” liên quan kinh tế báo chí truyền thông
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”. Việc triển khai đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai để phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Một số cơ quan báo chí chuyển đổi số trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện như Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, VietnamPlus, VnExpress, Báo Tuổi trẻ,… hay một số báo chí địa phương. Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 6/4/2023, mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông kỳ vọng các ý kiến của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí tại hội thảo sẽ là những cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay.
Qua đó, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền với những kiến giải nhằm tháo gỡ các “nút thắt” liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông.
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu từ các cơ quan và các đại biểu có mặt trong hội thảo hôm nay. Chúng tôi sẽ xem xét, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí”, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nói.
Cần đa dạng hóa nguồn thu báo chí truyền thông
Trình bày tham luận tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh đã đưa ra bức tranh kinh tế báo chí truyền thông hiện nay trên thế giới. Theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, hiện nay, báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, như việc các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu. Trong khi đó, các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể.
“Điều quan trọng là phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in”, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Về quảng cáo, theo nhà báo Lê Quốc Minh, dù thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng nhưng với báo chí thì lại giảm đi. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2024, doanh thu ấn phẩm số giảm từ 35,1 tỷ USD xuống còn hơn 21 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu ấn phẩm số tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD.
Trước thực tế này, các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội cũng như các nền tảng công nghệ-trí tuệ nhân tạo...
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. |
Cũng theo nhà báo Lê Quốc Minh, trong thời gian tới đây, các cơ quan báo chí truyền thông cũng sẽ hướng tới tìm kiếm doanh thu từ độc giả như một "nguồn thu an toàn".
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đưa ra một số xu hướng các cơ quan báo chí lớn trên thế giới thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu...
Về quảng cáo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thông tin: Giai đoạn trước mắt, nguồn thu từ quảng cáo vẫn chiếm vị trí quan trọng của các cơ quan báo chí.
“Quảng cáo đã giảm đi nhiều, có cơ quan chỉ chiếm 40-50% doanh thu nhưng dẫu sao đây vẫn là nguồn thu rất quan trọng”, nhà báo Lê Quốc Minh nói.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, hiện Google và Facebook chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo. Do vậy, thời gian tới đa số các cơ quan báo chí tìm kiếm doanh thu từ độc giả. Tìm doanh thu từ độc giả ngày càng quan trọng hơn và đó là nguồn thu an toàn hơn.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, từ năm 2012, khi nói đến thu phí từ độc giả rất nhiều người "dè bỉu". Trước khi đạt kết quả như ngày hôm nay, báo chí thế giới cũng đã thử nghiệm rất nhiều, đã mắc sai lầm rất nhiều.
“The New York Times đẩy lên rồi hạ xuống, rồi lại đẩy lên. Còn Washington Post đã quyết định cạnh tranh bằng cách không thu phí rồi lại thu phí. Và hầu như các cơ quan báo chí lớn trên thế giới hiện nay đều thu phí”, nhà báo Lê Quốc Minh nói và cho rằng nếu các cơ quan báo chí còn tình trạng chờ xem đơn vị khác thử nghiệm có sai không mình mới làm thì dễ mắc lại những sai lầm cũ.
Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ tại hội thảo. |
Về việc làm truyền thông, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Đây là một trong những xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang làm. Bởi chính các nhà báo là người thành thạo nhất về kỹ năng kể chuyện. Do vậy, việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu về kể chuyện của mình.
“T Brand của The New York Times sản xuất chương trình và nội dung quan trọng cho các khách hàng chính như Cartier, Google, American Express… Studio Create của CNN chuyên kể các câu chuyện về con người, xuất phát từ di sản sản xuất nội dung nổi bật của CNN đem đến giải pháp đa nền tảng, đáp ứng mục tiêu của thương hiệu”, nhà báo Lê Quốc Minh nêu thí dụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng thúc đấy việc tổ chức sự kiện để đem lại doanh thu. Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ, tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều đơn vị báo chí có nhiều kinh nghiệm tương tự. Báo Nhân Dân vừa qua cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện thành công, trong đó phải kể đến sự kiện thu hút tới 70.000 người tham dự tại Tây Ninh.
Lắng đọng chương trình nghệ thuật Tây Ninh - Khúc hát tự hào
Ngoài ra, một số cơ quan báo chí đang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. “Lâu nay chúng ta chỉ nghĩ rằng, báo chí đi mua công nghệ ở nơi khác. Tuy nhiên, cơ quan báo chí lớn như Washington Post đã phát triển các sản phẩm công nghệ riêng, hỗ trợ trên 400 website”, nhà báo Lê Quốc Minh nói và cho việc việc này tạo nguồn thu đáng kể cho tờ báo.
5 điểm nghẽn với sự phát triển kinh tế báo chí truyền thông tại Việt Nam
Trình bày tại hội thảo, PGS,TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã khái quát bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế báo chí-truyền thông tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ Việt Nam đồng, tăng 1,49% so năm 2022; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ Việt Nam đồng, tăng 1,31% so năm 2022; đóng góp vào GDP của ngành thông tin và truyền thông ước đạt 887.398 tỷ Việt Nam đồng, tăng 1,34% so với năm 2022; tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so năm 2022.
PGS,TS Bùi Chí Trung trình bày tham luận tại hội thảo. |
Riêng doanh thu truyền thông đạt ngưỡng 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế. Cũng theo thống kê của Bộ nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200-300 triệu cho đến mức 4-5.000 tỷ Việt Nam đồng.
"Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ chỉ còn khoảng một, hai cơ quan báo chí", diễn giả thông tin.
Khẳng định, kinh tế báo chí là một động lực quan trọng để phát triển báo chí-truyền thông trong thời đại kinh tế số, PGS,TS Bùi Chí Trung cũng thẳng thắn chỉ ra 5 điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí-truyền thông tại Việt Nam hiện nay, bao gồm vấn đề nhận thức, mục tiêu, sức ép của sự bùng nổ công nghệ-kỹ thuật, việc điều hòa quan hệ lợi ích và điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí-truyền thông và thể chế quản lý báo chí-truyền thông đáp ứng yêu cầu mới.
"Đổi mới động kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí-truyền thông trong bối cảnh số", PGS,TS Bùi Chí Trung nhấn mạnh.
Nhà báo Ngô Việt Anh chia sẻ ý kiến tại hội thảo. |
Nêu ý kiến tại hội thảo, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân Dân) khẳng định: Báo chí Việt Nam là nền báo chí đặc thù, do đó, việc vận hành kinh tế, kinh doanh báo chí cũng sẽ có những yếu tố đặc thù. Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử nêu kiến nghị cần thành lập tổ chức tiếp nhận các "đơn đặt hàng" truyền thông chính sách từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước để tăng nguồn thu.
"Ngoài ra, các cơ quan báo chí muốn thúc đẩy kinh tế báo chí cần phải tạo ra các giá trị khác biệt", nhà báo Ngô Việt Anh nhấn mạnh.
Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được tổ chức với 3 phiên họp, thảo luận.
Trong đó, phiên toàn thể nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam. Phiên thảo luận chuyên đề tập trung về việc đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số; bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.
Các phiên thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề sau:
- Những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam.
- Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam.
- Phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
- Sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam.