Cần cú “huých” mới cho nông thôn Hà Tĩnh

Sau hơn 12 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Hà Tĩnh có 70% số huyện và 98% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh những kết quả nổi bật, đáng ghi nhận, tỉnh Hà Tĩnh đang đối diện với không ít khó khăn, thử thách, do đó địa phương rất cần một cú “huých” để hoàn thành Ðề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới đã được Chính phủ phê duyệt.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc xã nông thôn mới nâng cao Xuân Thành, huyện Nghi Xuân.
Một góc xã nông thôn mới nâng cao Xuân Thành, huyện Nghi Xuân.

Kết quả ấn tượng

Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh Ngô Ðình Long vui mừng cho biết: Ðến thời điểm hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 177/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 98%); trong đó 50 xã đạt chuẩn nâng cao, 7 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những biến chuyển tích cực, nhất là đời sống người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 46,08 triệu đồng (gấp 5,5 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,79% (năm 2011 là 23,91%). Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi; các sản phẩm tham gia chương trình phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu...

Ðến nay, Hà Tĩnh có 286 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 272 sản phẩm 3 sao, 14 sản phẩm 4 sao. Hầu hết các sản phẩm sau khi đạt chuẩn OCOP đều tăng về doanh số bán hàng, có sản phẩm tăng hơn 200%, sản phẩm tăng ít nhất là 20% so với trước.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nâng mức chuẩn theo tiêu chí, nhất là đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa thôn... Văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí trong các khu dân cư được đẩy mạnh và ngày càng sôi động; các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy...

Kết quả đạt được lớn nhất trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là đã tạo chuyển biến cơ bản về tư duy, nhận thức của đa số người dân và cán bộ về xây dựng nông thôn mới, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; sự đồng thuận cao của toàn xã hội, người dân đã nhận thức được xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống mới cho chính mình, xem mình là chủ thể, tự giác thực hiện; đặc biệt, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến xã, thôn vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, đây chính là nguyên nhân cơ bản để nông thôn mới thành công, bền vững.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh

Còn nhiều thử thách

Qua kết quả rà soát, theo 10 tiêu chí và 42 chỉ tiêu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay Hà Tĩnh mới có 2 tiêu chí cơ bản đạt, gồm: Quy hoạch và an ninh, trật tự xã hội; có 3 tiêu chí có khả năng hoàn thành, gồm: Dịch vụ hành chính công; giáo dục và y tế; chỉ đạo, điều phối thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; có 5 tiêu chí khó có khả năng hoàn thành nếu không có sự nỗ lực phấn đấu và nguồn lực hỗ trợ, gồm cơ sở hạ tầng kết nối và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững, văn hóa, môi trường và cảnh quan nông thôn, việc làm-thu nhập-hộ nghèo.

Như vậy để hoàn thành mục tiêu đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025” đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng rất cần sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành trung ương, đặc biệt là ưu tiên nguồn vốn để triển khai thực hiện các tiêu chí dự án.

Ngoài việc thường xuyên phải gánh chịu những tác động của thiên tai, lũ lụt, phần lớn các địa phương trên địa bàn có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhận thức của một bộ phận người dân về nông thôn mới chưa cao... Trong khi đó, yêu cầu của một số nội dung, tiêu chí của Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025 ở mức cao hơn, nên trong quá trình thực hiện một số xã gặp khó khăn, cần thời gian và nguồn lực.

Phan Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê

Do vậy địa phương đang thực hiện tổng lực các giải pháp nhằm tiếp tục khơi dậy sức dân, huy động tối đa nguồn lực đưa các xã vùng khó khăn hoàn thành xây dựng nông thôn mới. “Theo tiến độ triển khai, mục tiêu đưa 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023 rất khả thi, tuy nhiên việc hoàn thành các tiêu chí đạt huyện nông thôn mới rất khó bởi khối lượng thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới còn nhiều, kinh phí thực hiện rất lớn, đến nay huyện vẫn chưa xác định được nguồn gần 170 tỷ đồng cần có cho giai đoạn tiếp theo”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê cho biết.

Theo Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng đô thị văn minh Hà Tĩnh, nguồn lực triển khai thực hiện Ðề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới rất cao, nhưng do Trung ương và địa phương chưa huy động, cân đối được nguồn lực nên tiến độ triển khai thực hiện một số nội dung, tiêu chí tỉnh nông thôn mới theo Ðề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang gặp nhiều khó khăn. Ðơn cử, qua rà soát, tổng nhu cầu đề xuất hỗ trợ xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới là 4.820 tỷ đồng, tuy nhiên giai đoạn 2021-2025 Trung ương chỉ bố trí khoảng 1.178 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình, chưa bố trí nguồn vốn thực hiện Ðề án tỉnh nông thôn mới nên một số nội dung, nhiệm vụ chưa triển khai thực hiện được.

Do đó, địa phương đề nghị các bộ, ngành trung ương tạo điều kiện, tổng hợp đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh nguồn kinh phí để thực hiện Ðề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 2114/QÐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.