Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn hiện đang trở thành xu hướng toàn cầu. Ngoài việc đối mặt với ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu..., Thành phố Hồ Chí Minh còn bị ràng buộc bởi các hiệp định, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã cam kết về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Do đó, phát triển kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu để thành phố hướng đến một nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững. Để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, thành phố đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Giai đoạn 2016 đến 2022, chỉ số TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) tăng mạnh đạt trung bình 46,7%; trong đó, đóng góp từ khoa học-công nghệ chiếm 74%. Năng suất lao động của thành phố cũng cao gấp hai lần so với cả nước; năng suất lao động trong doanh nghiệp công nghệ cao vượt trội, gấp 1,67 lần so với mức chung của thành phố.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Thanh Minh cho biết: Trong giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, bền vững, giữ vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia, thành phố định hướng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh hiện nay vẫn là một thách thức lớn. Hiện nay, thành phố cũng chỉ xuất hiện đơn lẻ một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn, điển hình như: mô hình 3R (tiết giảm-tái sử dụng-tái chế) và quỹ tái chế chất thải, chương trình giảm ô nhiễm môi trường, sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên...
Để khoa học-công nghệ thực sự trở thành động lực, nền tảng xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, cần nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn cho các đối tượng liên quan; xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng nhằm hỗ trợ sự hình thành và phát triển của kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước, đặt ra chính sách khuyến khích áp dụng mô hình này.
Cũng theo ông Lê Thanh Minh, Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên nhu cầu thị trường và xã hội; phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng, đồng thời, tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường, xác lập rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn; có cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải; gắn liền thực hiện kinh tế tuần hoàn với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như cần có nghiên cứu đánh giá đúng các ngành, lĩnh vực có khả năng tiếp cận tốt nhất trong một chiến lược tổng thể chung về phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
Trong những năm gần đây, kinh tế tuần hoàn đã thu hút sự chú ý trên thế giới cũng như tại Việt Nam vì đây là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa phát triển và tác động đến môi trường.
Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế tìm cách cân bằng sự bền vững môi trường và phát triển kinh tế dựa trên giải pháp, mô hình kinh doanh sáng tạo nhằm đạt được nhiều mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường.
Để chuyển dịch từ một nền kinh tế tuyến tính sang một nền kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia cho rằng: Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh, nhằm hình thành một chuỗi giá trị tuần hoàn hơn.
Đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực chất, hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải quyết các vấn đề về bền vững; qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế xanh.
Để làm được điều này, thành phố cần tạo các động lực thị trường mới thúc đẩy khởi nghiệp xanh; kết nối các nguồn lực trong, ngoài nước đầu tư, phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo xanh; phát triển các chương trình, khóa đào tạo chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên, những nhà khởi nghiệp xanh, đồng thời, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh; xây dựng chính sách phát triển thị trường vốn đầu tư, cũng như chính sách tài trợ, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ xanh cho các doanh nghiệp.