Cần có hình thức khen thưởng nhằm bao quát các đối tượng tham gia kháng chiến

NDO -

Sáng 18/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). (Ảnh: Duy Linh)
Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). (Ảnh: Duy Linh)

Báo cáo một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày nêu rõ: dự án Luật đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và được đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Về việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân luôn luôn đánh giá cao và ghi nhận công lao hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung của dân tộc của lực lượng Thanh niên xung phong bằng việc trao tặng nhiều hình thức khen thưởng cao nhất của Nhà nước. 

Về cơ bản, các cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đã được xét khen thưởng như những đối tượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo niên hạn, công trạng, thành tích. Thanh niên xung phong nếu là người có công với cách mạng còn được thực hiện chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và những chính sách khác đối với thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong cơ sở ở miền nam…

Tuy nhiên, việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như dự thảo Luật cần cân nhắc. Bởi, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Thông báo số 120-TB/TW về Đề án đổi mới công tác thi đua-khen thưởng nêu rõ, “cần giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước”. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không quy định về khen thưởng thành tích kháng chiến mà chỉ quy định việc tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và giao Chính phủ hướng dẫn thể thức, thời hạn kết thúc. 

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần xác định việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này là việc làm rất khó, rất nhạy cảm, rất quan trọng, nên cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao.  

Về việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình, nên có hình thức khen thưởng cho thanh niên xung phong. Đảng đoàn Quốc hội sẽ trình Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

Các đại biểu cho rằng, việc trao tặng huân chương không mất mát gì, mà còn có ý nghĩa động viên. Trong khi đó sự tham gia của thanh niên xung phong trong kháng chiến là rất lớn, không kém gì bộ đội. Một số đại biểu cho rằng không nên khoanh lại ở một phạm vi “tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào và Camphuchia…” do lực lượng thanh niên xung phong không chỉ tham gia chống ngoại xâm trong kháng chiến; mà tiếp tục có những đóng góp trong xây dựng, bảo vệ đất nước.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, hiện vẫn còn hàng chục nghìn thanh niên xung phong ở độ tuổi 70 tuổi trở lên tâm tư, trăn trở vì chưa được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Do đó, việc tiếp tục xét trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang sẽ bổ sung được nhiều đối tượng vẫn còn tồn đọng, thiếu sót chưa được bổ sung kịp thời trong thời gian qua.

Cần có hình thức khen thưởng nhằm bao quát các đối tượng tham gia kháng chiến -0
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận. (Ảnh: Duy Linh)

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị, cần bổ sung một số đối tượng được xét trao tặng huy chương này, vì ngoài thanh niên xung phong còn có dân quân hỏa tuyến, hoặc ở chiến trường miền nam có lực lượng dân quân du kích rất lớn. Việc bổ sung thêm đối tượng được xét trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang sẽ giúp bao quát hết các đối tượng tham gia kháng chiến, tránh tình trạng sau này nếu có nhu cầu trao huy chương cho các đối tượng khác, lại tiếp tục phải sửa Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các tiêu chí, tiêu chuẩn để xét trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, có thể cao hơn về phạm vi, yêu cầu so với phương án Chính phủ trình, song không được cao hơn tiêu chuẩn khen thưởng của quân đội.

Ngoài các nội dung nêu trên, các đại biểu cũng đã góp ý về các nội dung liên quan đến xử lý vi phạm trong thi đua khen thưởng; danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính khả thi của các quy định và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phát biểu tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, bên cạnh nội dung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu ý kiến cụ thể đối với các nội dung khác của dự án Luật như tiêu chuẩn, các danh hiệu thi đua, thẩm quyền khen thưởng, hồ sơ khen thưởng của khu vực tư nhân, khen thưởng của Quốc hội, khung hướng dẫn chung để địa phương cụ thể hóa, xử lý vi phạm, sự thống nhất giữa các điều khoản.

Đồng thời đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo các ý kiến góp ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nhằm bảo đảm chất lượng của dự án Luật khi trình Quốc hội.