Cần cơ chế để phim Nhà nước đặt hàng có doanh thu

Thời gian gần đây, một số bộ phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước được phổ biến, phát hành đã đón nhận sự ủng hộ, đánh giá rất tốt của dư luận và giới làm phim. Sau “Đào, Phở và Piano”, ngày 27/9 vừa qua, bộ phim “Bà già đi bụi” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chính thức công chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn và truyền thông.
Phim “Đào, Phở và Piano”.
Phim “Đào, Phở và Piano”.

Về kế hoạch phát hành, mặc dù bộ phim “Bà già đi bụi” do Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất, sử dụng ngân sách nhà nước thông qua hình thức đấu thầu, nhưng bộ phim này cũng sẽ chiếu miễn phí cho khán giả như những bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước trước đó.

Cụ thể, phim sẽ được trình chiếu trong rạp chiếu phim, tại các địa điểm chiếu phim công cộng; gửi đi các tỉnh, thành phố chiếu miễn phí phục vụ nhân dân hoặc tuyên truyền trong các tuần phim, liên hoan phim và các đợt phim kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ trăn trở về doanh thu “không đồng” đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: Phim “Bà già đi bụi” không thể ra rạp chiếu thương mại bởi chưa có cơ chế, quy định về phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Phim “Đào, Phở và Piano” gây ấn tượng bởi doanh thu vì đây là bộ phim thí điểm phát hành thương mại theo Quyết định 316/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mục tiêu của quyết định này để đánh giá doanh thu đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước. Theo quyết định này, hai bộ phim truyện sử dụng ngân sách nhà nước trong năm 2023 là “Đào, Phở và Piano” và “Hồng Hà nữ sĩ” do Công ty TNHH MTV Truyền thông Nam Phương (HONGNGAT FILM) sản xuất năm 2023 đã thí điểm khai thác thương mại vào mồng 1 Tết Nguyên đán 2024 cùng sáu bộ phim hoạt hình khác.

Trong hơn một tháng chiếu thí điểm, từ 10/2/2024 đến 30/3/2024, các phim có tổng số doanh thu là 25 tỷ đồng, trong đó riêng “Đào, Phở và Piano” thu được 23 tỷ đồng. Con số này là liều thuốc kích thích những nhà làm phim phía bắc, cho thấy rằng, dù ngân sách nhà nước đầu tư thấp nhưng phim hay, hấp dẫn hoàn toàn có thể có được doanh thu.

Đưa ra thí dụ về hình thức hợp tác công-tư trong sản xuất phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, doanh thu hơn 60 tỷ đồng, ông Vi Kiến Thành cho biết, số tiền kết hợp đầu tư lớn, cho nên doanh thu từ bộ phim rất cao. Tuy nhiên, hiện nay, hình thức phim Nhà nước-tư nhân hợp tác đã bị dừng lại. Điều này cản trở việc phát triển, triển khai nhiều dự án phim khác.

Có thể thấy, sau đợt phát hành thí điểm, điều tích cực là khán giả đã quan tâm hơn đến loại phim Nhà nước đặt hàng, tiềm năng cạnh tranh doanh thu giữa phim đặt hàng và phim thị trường là có. Tuy nhiên, dù mong muốn phim “Bà già đi bụi” được trình chiếu rộng rãi ở nhiều cụm rạp, có doanh thu, nhưng từ phim “Đào, Phở và Piano” cho thấy bất cập về cơ chế phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư kinh phí. Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật chưa có quy định về phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước; tỷ lệ phần trăm doanh thu cho các đơn vị liên quan, như đơn vị sản xuất, rạp chiếu phim, nhà phát hành…

Toàn bộ doanh thu từ bán vé phim “Đào, Phở và Piano” nộp vào ngân sách nhà nước. Thực tế, rất nhiều bộ phim được Nhà nước đặt hàng, đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh thực hiện xong chỉ để phát hành phục vụ miễn phí khán giả, thậm chí sản xuất xong không thể phát hành, khán giả không biết đến. Phép thử với phim “Đào, Phở và Piano” cho thấy, không phải không có khả năng mang về doanh thu, mà vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách để phim Nhà nước đặt hàng có được doanh thu.

Điện ảnh được xác định là một trong 12 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa. Doanh thu tiếp thêm động lực cho các nhà sản xuất và lợi nhuận sẽ đóng góp cho nền điện ảnh phát triển. “Hạn chế” doanh thu từ phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước chỉ từ câu chuyện cơ chế, vô tình đã loại dòng phim này ra khỏi sân chơi của điện ảnh.

Thiết nghĩ, sau những đợt thí điểm phát hành, phổ biến một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có tổng kết đánh giá, nghiên cứu, hình thành cơ chế khai thác đối với các bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước. Bên cạnh cân đối giữa nhiệm vụ chính trị và phát hành thương mại, cần sớm nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó cần sớm lập hồ sơ xây dựng nghị định về phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước, từ đó có cơ sở tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phát hành, phổ biến phim nhà nước đặt hàng.