Cần chế tài mạnh hơn để bảo đảm an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng

NDO - Trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong công chứng như phản ánh của dư luận, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có chế tài mạnh hơn nhằm giảm thiểu vi phạm và bảo đảm an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng, hướng tới sự phát triển bền vững của hoạt động này.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về các hành vi bị nghiêm cấm

Sáng 25/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Góp ý về các hành vi bị cấm trong dự thảo luật, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đánh giá, việc phát triển các văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa là bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, vì mục đích lợi nhuận, một số công chứng viên và văn phòng công chứng đã có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Mặc dù đã có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và quy định về quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, nhưng những hành vi trên đã gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của hoạt động công chứng.

Cần chế tài mạnh hơn để bảo đảm an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng ảnh 1

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, sáng 25/6. (Ảnh: DUY LINH)

Theo phản ánh của dư luận và cử tri, hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường là giành giật khách hàng, móc nối, cấu kết chia phần trăm hoa hồng, lợi nhuận cho các cá nhân, tổ chức có sự ảnh hưởng để đưa hợp đồng về công chứng tại tổ chức của mình, thậm chí tung tin, đưa ra nhận định không chính xác, mang tính tiêu cực nhằm hạ thấp uy tín đối với các tổ chức hành nghề và công chứng viên khác.

Đại biểu cho rằng các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ngày càng tinh vi, phức tạp. Một số nội dung như trên đã được đưa vào hành vi bị nghiêm cấm tại dự thảo luật.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị ngoài các quy định trên, cơ quan soạn thảo cần rà soát, đánh giá thêm từ thực tiễn để quy định được chặt chẽ hơn, cũng như cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để kiểm soát; có chế tài mạnh hơn nhằm tạo sự lành mạnh trong hành nghề và phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu vi phạm và an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng.

Cần chế tài mạnh hơn để bảo đảm an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Cũng góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 7 của dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng các quy định này kế thừa Luật Công chứng hiện hành, như nghiêm cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức của mình.

Đại biểu Thông thấy rằng, các hành vi bị nghiêm cấm về quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo quy định. Nội dung nghiêm cấm như dự thảo luật làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, cũng như quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động.

Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cũng như các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Tiếp tục rà soát xã hội hóa, mở rộng các cơ sở đào tạo nghề công chứng

Cần chế tài mạnh hơn để bảo đảm an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng ảnh 3

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Góp ý về đào tạo nghề công chứng, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho biết, Điều 9 dự thảo luật quy định thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, trừ những đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 9, thì được giảm 1/2 thời gian đào tạo là 6 tháng.

So với quy định của Luật Công chứng hiện hành, dự thảo luật cũng đã bỏ quy định về một số đối tượng nhất định được miễn đào tạo nghề công chứng và phải tham gia dự khóa bồi dưỡng nghề công chứng.

Đại biểu cơ bản nhất trí với quy định này, tuy nhiên đối với nhóm đối tượng được giảm 1/2 thời gian đào tạo, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đối với việc xác định đối tượng này để vừa đáp ứng nhu cầu được hành nghề công chứng phù hợp với năng lực kinh nghiệm mà họ đã được tích lũy, nhưng vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên.

Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng là công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp tại Sở Tư pháp, công chức phòng tư pháp, công chức tư pháp hộ tịch cấp xã có thời gian công tác từ 5 năm liên tục trở lên, bởi những chủ thể này không chỉ đáp ứng được trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mà còn có cả kỹ năng, kinh nghiệm về hoạt động công chứng.

Cũng góp ý về đào tạo nghề công chứng, đại biểu Phạm Thị Kiều đánh giá cao chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng để phục vụ nhu cầu của người dân.

Đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị tiếp tục rà soát xã hội hóa, mở rộng hơn các cơ sở đào tạo nghề công chứng, ngoài Học viện Tư pháp của Bộ Tư pháp, các trường Đại học luật, để tạo điều kiện tốt nhất cho những người có nhu cầu đào tạo, kể cả việc sớm định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay trong nhà trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bổ nhiệm công chứng viên.

Công chứng gắn với dịch vụ công

Cần chế tài mạnh hơn để bảo đảm an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng ảnh 6

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cách tiếp cận của dự án luật này theo hướng công chứng là dịch vụ công, trước đây nhà nước thực hiện công việc này.

Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta xã hội hóa một số hoạt động, phù hợp với thông lệ quốc tế, song quan điểm và cách tiếp cận và một số điều kiện bắt buộc gắn với dịch vụ công thì không thay đổi.

“Chúng ta thống nhất với cách tiếp cận và cũng thống nhất về cơ bản giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra thiết kế một số quy định đi theo mạch này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Về mô hình của tổ chức hành nghề công chứng, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2006, chúng ta mở ra hai mô hình, sau đó khi tổng kết thực hiện nhận thấy không phù hợp.

Hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng, như vậy trung bình có 2,5 công chứng viên đối với một tổ chức hành nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm thông tin này để xem xét mô hình của văn phòng công chứng.

Về lý do cấm quảng cáo, Phó Thủ tướng cho biết, từ cách tiếp cận đây là dịch vụ công do Nhà nước làm hoặc xã hội hóa các tổ chức tư nhân làm với các điều kiện bắt buộc nhất định thì không thương mại hóa.

“Chúng ta không cấm hoàn toàn các công cụ để tự giới thiệu về mình của các tổ chức hành nghề công chứng mà theo nguyên tắc "hữu xạ tự nhiên hương", ở đây chỉ cấm ở trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn có thể mở các website để giới thiệu về bản thân mình, có các cách thức khác nhau, như vậy nên cũng không e ngại lắm về câu chuyện vì cấm quảng cáo cho nên không giới thiệu được về mình”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh điều quan trọng hơn quảng cáo mang tính chất thương mại là các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động đúng theo chức trách và được người dân, tổ chức tin tưởng bằng các cách thức khác nhau và đặc biệt là uy tín nghề nghiệp.