Trong nhiều nội dung được thảo luận sôi nổi tại hội trường Quốc hội về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thì việc quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số nhận được sự quan tâm, nêu ý kiến, kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội.
Cần các giải pháp riêng, đặc thù, đồng bộ
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của Chính phủ đã nêu về kết quả thực hiện chính sách dân tộc, bên cạnh đó, một số nội dung về đồng bào được lồng trong các giải pháp liên quan đến đào tạo nghề, giảm nghèo và chăm sóc y tế trong dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu Kế hoạch này và cả Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng mức độ quan tâm của các chính sách, vai trò và tác động của các chính sách đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất khiêm tốn.
Theo đại biểu, chỉ có 1/130 nhiệm vụ có quy định trực tiếp liên quan đến đồng bào. Trong khi đó, 4 giải pháp lớn để cơ cấu lại nền kinh tế với hơn 100 nhiệm vụ còn lại chưa thể hiện rõ sự quan tâm này.
Trong đó, có nhiều giải pháp liên quan trực tiếp sinh kế, đến sự phát triển cũng như cần vai trò tham gia của đồng bào, như: giải pháp về phát triển các loại thị trường; về cơ cấu lại không gian kinh tế; hay giải pháp về phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường.
Ông Phạm Trọng Nghĩa nêu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định quan điểm: “Tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển” và Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội khẳng định: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước.
Trên cơ sở đó, đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung nhóm chính sách, giải pháp riêng hoặc lồng ghép cụ thể hơn trong các chính sách chung những giải pháp đặc thù, liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cũng như Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét, bổ sung chỉ tiêu riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong một số chỉ tiêu chung của 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như: chỉ tiêu về giảm nghèo, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và về tỷ lệ bác sĩ, giường bệnh trên 10 nghìn dân.
“Thí dụ dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặt mục tiêu năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 1-1.5% thì sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu đối với tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3% để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 88 năm 2019 của Quốc hội”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đặt vấn đề.
Tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) lo ngại tỷ lệ giảm nghèo 2% trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào năm 2022 là thiếu khả thi, rất cần có những chính sách đặc thù, ưu tiên đồng bộ hơn.
Theo các đại biểu, Quốc hội và Chính phủ cần tập trung cao hơn các nguồn vốn từ năm 2022 và các năm tiếp theo để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) đánh giá cao Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, với 10 dự án thành phần, nhu cầu đầu tư rất lớn, giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 137.664 tỷ đồng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần lựa chọn những dự án cấp bách để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; dự án phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) đề nghị trong nghị quyết hằng năm của Quốc hội cần nêu rõ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để thực hiện hiệu quả các mục tiêu kế hoạch của chương trình. Điều này rất quan trọng và có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia.
Phản ánh tình hình thực tế, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành vẫn chưa giải ngân được 16 nghìn tỷ đồng nguồn vốn cấp cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Không chỉ vậy, 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững vẫn còn chậm triển khai đã ảnh hưởng rất lớn các đối tượng được thụ hưởng chính sách cũng như tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.
Thực tế cho thấy, nếu mọi quyết sách lớn từ Quốc hội được thực thi nghiêm túc thì chắc chắn tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 sẽ giảm bớt.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, dù chậm trễ nói trên cũng không vướng gì từ phía Quốc hội, nhưng “Quốc hội với chức năng giám sát tối cao cần có đánh giá trách nhiệm đúng mức và biện pháp đủ mạnh để những đề án đang còn nằm im trên giấy nhanh chóng đi vào cuộc sống”.