Cán bộ, nhân dân Tây Nguyên với Báo Nhân Dân

NDO -

Với báo Đảng, cán bộ và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên luôn coi là một kênh thông tin chính thống quan trọng, một người bạn đồng hành, một chỗ dựa tin cậy. Nhân dịp Báo Nhân Dân kỷ niệm 70 năm ngày ra số báo đầu tiên, các phóng viên thường trú tại Tây Nguyên đã ghi lại một số ý kiến thể hiện tình cảm sâu sắc của cán bộ, nhân dân các dân tộc từ vùng đất này gửi về báo Đảng.

Ông Y Bhem Knul, người Ê Đê, ở buôn Jăt B, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.
Ông Y Bhem Knul, người Ê Đê, ở buôn Jăt B, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Nơi gửi gắm niềm tin

Cán bộ, nhân dân Tây Nguyên với Báo Nhân Dân -0
Đồng chí Trần Nam Thuần.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Niềm tin  đối với Báo Nhân Dân trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những mặt trái trong xã hội, với tư cách là một lãnh đạo cấp ủy địa phương, đồng chí Trần Nam Thuần (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đắk Glong, Đắk Nông) cho rằng, báo chí có vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với vai trò là ngọn cờ đầu, là “Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”, Báo Nhân Dân là một trong những lựa chọn hàng đầu đối với các tầng lớp trong xã hội.

Là bạn đọc thường xuyên của Báo Nhân Dân, bản thân tôi nhận thấy với cách thức tiếp cận đa chiều, Báo Nhân Dân đã đưa tin kịp thời, cập nhật, chính xác, khách quan và đầy đủ các thông tin về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, có rất nhiều bài viết phê phán những thiếu sót, khuyết điểm, đặc biệt là các hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các vấn đề bức xúc trong nhân dân. Theo tôi, đây là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân cũng là một trong những tờ báo tiên phong, tích cực đấu tranh phản bác chống lại các quan điểm sai trái, phản động, luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, thông tin xấu độc với nhiều bài viết đặc sắc, phân tích sâu tại các mục như “Cùng suy ngẫm” “Bình luận - Phê phán”, “Đảng và cuộc sống”….Đặc biệt, với bộ phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” do Hãng phim Tài liệu và điện ảnh Nhân Dân thực hiện đã và đang mang lại một tiếng vang lớn giúp cho người xem hiểu rõ về dòng chảy của lịch sử, sự phát triển trường tồn của dân tộc, đất nước, thời đại… song hành cùng với sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu trong cả một tiến trình lịch sử từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại Hồ Chí Minh cho đến nay. Tác phẩm một lần nữa khẳng định nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác lại mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch xuyên tạc về lịch sử. Từ đó làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân phân biệt được đúng - sai, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Trần Nam Thuần tin tưởng rằng, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Báo Nhân Dân sẽ luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích và bản lĩnh chính trị; quán triệt, tuyên truyền trên các ấn phẩm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, mang tính định hướng về mọi mặt đời sống xã hội. Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, đặc biệt là đấu tranh với các quan điểm sai trái, các biểu hiện tiêu cực, những vấn đề nổi cộm mà nhân dân bức xúc. Luôn là tờ báo hướng về nhân dân, cổ vũ nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Chính vì thế, trước những yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Báo Đảng sẽ tiếp tục phát huy tốt mô hình truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế phát triển của báo chí - truyền thông hiện đại. Đổi mới cách viết, nâng cao tính hấp dẫn. Dành nhiều chỗ cho các bài viết phân tích, lý giải, bình luận; đưa tin chính xác, trung thực. Chú trọng nhiều hơn đến nhiệm vụ phản ánh nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, những tấm gương “người tốt, việc tốt” để động viên, biểu dương kịp thời, cũng như nhân rộng những mặt tích cực trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng.

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, làm tròn trách nhiệm là lực lượng tiên phong, xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch và những thông tin giả, xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội…, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đội ngũ người làm Báo Đảng luôn giữ tâm thế “mắt sáng, bút sắc, lòng trong”, tiếp tục thể hiện bản lĩnh chính trị, ý chí cách mạng, “gần dân, sát cơ sở” để có nhiều tác phẩm xuất sắc sát hơi thở cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 - 11-3-2021), thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Ban Biên tập và thế hệ những người làm Báo Nhân Dân trong thời gian qua đã dành sự quan tâm, theo dõi sát sao và phản ánh kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận sự quan tâm của quý Báo, góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân địa phương.

Đọc và làm theo báo Đảng

Một ngày đầu tháng 3 Tây Nguyên, chúng tôi tìm về buôn làng để tìm gặp ông Y Bhem Knul, người Ê Đê, cán bộ hưu trí và người có uy tín ở buôn Jăt B, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Khi chúng tôi đặt chân đến buôn Jăt B trời đã gần trưa, thời tiết khá nóng bức, đúng lúc này ông Y Bhem cũng vừa đi tuyên truyền, vận động bà con trong buôn tập trung tưới nước cho cây cà-phê về, người nhễ nhại mồ hôi. Mặc dù năm nay đã 68 tuổi nhưng ông Y Bhem vẫn còn mạnh khỏe, nhanh nhẹn và hết lòng vì công việc của buôn làng.

Ông Y Bhem tâm sự: Khi còn công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Krông Pắk cũng như khi nghỉ hưu vào năm 2013 đến nay, hằng ngày ông luôn đọc báo, nghe đài để nắm bắt thông tin thời sự trong nước, quốc tế và các mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, đặc biệt là các thông tin được đăng tải trên Báo Nhân Dân, vừa nâng cao kiến thức cho bản thân mình, vừa phục vụ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Bởi theo ông, Báo Nhân Dân là cơ quan của Trung ương Đảng, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nên tờ báo phản ánh đầy đủ, toàn diện, chính xác, kịp thời mọi mặt đời sống xã hội. Đó là từ các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến đời sống của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Các thông tin trên Báo Nhân Dân ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, không đưa tin giật gân, câu khách như một số tờ báo khác.

Những năm gần đây, trên Báo Nhân Dân hằng ngày có mở chuyên mục “Dân tộc thiểu số và miền núi”, thường xuyên đăng tải những tin tức, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương người tốt, việc tốt trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên mọi miền đất nước. “Hằng ngày, đọc trên Báo Nhân Dân, tôi thấy những bài báo có nội dung hay, nhất là phản ảnh về những mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, gương người tốt, việc tốt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hay công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS…là tôi lưu lại tờ báo, mỗi  khi họp buôn làng, tôi mang tờ báo ra đọc cho bà con nghe hoặc khi đi tuyên truyền, vận động, tôi mang theo tờ báo Đảng để bà con tận mắt đọc rồi áp dụng làm theo”, ông Y Bhem chia sẻ.

Để minh chứng cho những gì mình nói, ông Y Bhem dẫn chúng tôi đi thăm con đường rộng rãi chạy dọc giữa buôn được dọn dẹp sạch sẽ để chuẩn bị đổ bê-tông theo chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chỉ tay về phía đoạn đường được mở rộng đi ngang qua giữa những vườn cà-phê xanh tốt, ông Y Bhem cho biết: “Trước đây đoạn đường này nhỏ, hai xe công nông gặp nhau không né tránh được, gây nhiều khó khăn trong việc vận chuyển nông sản của bà con trong buôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã Ea Hiu giao cho buôn tuyên truyền, vận động bà con hiến đất để mở rộng tuyến đường. Thời gian đầu, công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn do bà con chưa hiểu chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước. Hơn nữa, do đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn nên khi đề cập đến việc hiến tặng đất để mở đường thì nhiều người không đồng ý. Trong thời gian này, tôi đọc trên Báo Nhân Dân thấy ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn hơn cả bà con ở buôn làng mình, nhưng người dân vẫn sẵn sàng hiến đất để chính quyền mở rộng đường giao thông. Nhờ đó, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã về đích xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn khởi sắc, việc vận chuyển nông sản được thuận lợi và giá trị đất đai theo đó cũng tăng lên…

Tôi đem những bài báo đó đọc cho bà con nghe trong những buổi họp buôn và tích cực đến từng nhà tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, là đảng viên, người có uy tín trong buôn, gia đình tôi đã tự nguyện hiến tặng gần 500 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng của buôn. Nghe những gì mình nói và nhìn những việc mình làm, dần dần bà con cũng hiểu về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước nên sẵn sàng hiến tặng đất, tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây trồng để mở rộng đường. Đến nay, tuyến đường chính trong buôn đã được mở rộng rãi và dọn dẹp sạch sẽ để chính quyền địa phương đổ bê tông, tạo thuận lợi cho việc lưu thông của bà con trong buôn”. Đây là một trong nhiều cách làm hay mà ông Y Bhem đã áp dụng từ Báo Nhân Dân vào thực tế của buôn làng mình đã mang lại kết quả ngoài mong đợi.

Khi được hỏi về những mong muốn của mình đối với Báo Nhân Dân trong thời gian tới, ông Y Bhem cười hiền và thẳng thắn: Tôi mong muốn, trong thời gian tới, Báo Nhân Dân tiếp tục thông tin những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất… để người dân học tập, áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống về mọi mặt. Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân cũng cần chú trọng tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là các vụ án lớn giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm bắt thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Qua đó, giúp người dân an tâm, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tăng cường đoàn kết, xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những kỳ vọng từ cơ sở

Cán bộ, nhân dân Tây Nguyên với Báo Nhân Dân -0
Đồng chí A Bần. 

Đồng chí A Bần (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), chia sẻ: Là đảng viên 75 năm tuổi đời, 49 năm tuổi Đảng, công tác và về hưu trong quân đội, tôi thường xuyên theo dõi, đọc và làm theo Báo Nhân Dân. Báo Nhân Dân tuyên truyền nhiều, chính xác về mục tiêu đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, định hướng phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa và giữ vững an ninh chính trị của đất nước, nhất là trong thời điểm Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong những đợt cao điểm tuyên truyền toàn dân phòng, chống đại dịch, tôi thấy tờ báo cũng dành nhiều sự quan tâm tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trên vùng biên giới, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa làm tốt công tác chuyên môn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự vùng biên.

Tôi quan tâm chuyên trang “Dân tộc thiểu số và miền núi” trên Báo Nhân Dân. Chuyên trang tuyên truyền nhiều về đường lối, chính sách, pháp luật để đồng bào được biết Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo mọi điều kiện đối với đồng bào DTTS, giúp đồng bào bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc mình. Bên cạnh đó còn giới thiệu nhiều mô hình hay, những tấm gương làm ăn giỏi của đồng bào dân tộc cả nước để từ đó bà con có thể học tập, làm theo.

Đồng chí A Bần cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, tôi thấy báo Nhân Dân điện tử đã có sự đổi mới về giao diện, đẹp và dễ truy cập hơn. Tin tức trong nước và thế giới liên tục được cập nhật, đáng tin cậy. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn như tỉnh Kon Tum có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin chính thống, đáng tin cậy của Báo Nhân Dân. Thế nhưng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum, báo in Nhân Dân vẫn là tư liệu quý dùng để lưu trữ, học tập và tuyên truyền. Tôi mong rằng, công tác phát hành Báo Nhân Dân được đẩy mạnh và nhanh hơn nữa vì hiện nay một số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tại tỉnh Kon Tum có nơi phải từ hai đến ba ngày mới nhận được Báo Nhân Dân.