Cán bộ, công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị buộc thôi việc

Ngày 17-3-2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2005/NĐ-CP (gồm 4 chương, 36 điều) về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm các quy định của pháp luật.

Các trường hợp bị xử lý kỷ luật gồm: - Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức quy định tại điều 6, 7, 8 của Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 2003 khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; Vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại điều 15, 16, 17, 19, 20 của Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 2003. Vi phạm pháp luật, bị Tòa án tuyên là có tội hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật. Khi xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, phải thành lập Hội đồng kỷ luật; trừ trường hợp cán bộ, công chức (CBCC) bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo.

CBCC vi phạm pháp luật bị xử lý một trong các hình thức sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Hạ ngạch; Cách chức; Buộc thôi việc. Không áp dụng hình thức kỷ luật "Buộc thôi việc" đối với CBCC nữ khi đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. CBCC sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước bị áp dụng hình thức kỷ luật "Buộc thôi việc".

Đối với CBCC bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cấp có thẩm quyền kết luận là oan sai thì ngoài việc được phục hồi về danh dự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, còn được bố trí công tác phù hợp, được hưởng mức lương tương ứng với mức lương trước khi bị xử lý kỷ luật; thời gian thi hành kỷ luật mà sau đó được kết luận là oan sai thì được tính vào thời gian để nâng bậc lương.