Quyết tâm công phá "tảng đá" trách nhiệm (Tiếp theo và hết) (*)

Cần "bắt bệnh, trị bệnh" kịp thời, hiệu quả

Sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, những bất cập, sai phạm trong một số lĩnh vực đã bị phát hiện, không ít cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật. Tình trạng vô cảm, thờ ơ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và nặng hơn là tình trạng buông lỏng trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã lộ rõ. Để xử lý kịp thời, hiệu quả "căn bệnh" này, cần sự "bắt bệnh" sớm, chính xác từ đó đưa ra "phác đồ điều trị" đúng đắn, hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Ảnh minh họa. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thời gian qua thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh, đùn đẩy công việc, không dám nêu ý kiến, tham mưu, đề xuất công việc,… được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như đời sống hằng ngày.

Mới đây, ngày 16/4, buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được ví như một cuộc công phá trực diện vào "bức tường" né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Sự việc này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân. Phải khẳng định đây là vấn đề không mới, đã được xới xáo, bàn thảo từ lâu song còn khá chung chung.

Đứng trước sự tụt dốc trong tăng trưởng kinh tế quý I/2023 (tăng 0,7%-thấp nhất trong nhiều năm qua, đứng thứ 56/63 địa phương), sự sụt giảm trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI (đứng thứ 27, tụt 13 bậc so với PCI 2021),… khiến thành phố được ví như "đầu tàu" kinh tế của cả nước phải tìm ra lời giải và biện pháp để tháo gỡ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra dẫn chứng cụ thể là trong năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói, nội dung hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền Thành phố.

Ông Dũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Ngoài vấn đề khách quan ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, hai vấn đề lớn nhất thành phố phải giải quyết là niềm tin thị trường, tâm lý xã hội và sự e dè, sợ hãi, sợ trách nhiệm của cán bộ. Rõ ràng, bệnh sợ trách nhiệm chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trì trệ, né tránh, đùn đẩy, sợ sai trong công việc, tác động trực tiếp, tiêu cực đến việc hạn chế về tăng trưởng.

Thực tế cho thấy "bệnh" sợ trách nhiệm diễn ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương, gây ra những hậu quả khôn lường.

Thực trạng này buộc phải có hướng giải quyết kịp thời, thậm chí bằng những biện pháp mạnh, chưa từng có trong công tác cán bộ, như xử lý, điều chuyển, buộc thôi việc. Nếu không cải thiện tình hình, việc cán bộ sợ trách nhiệm tiếp tục diễn ra, các cơ quan, đơn vị, cá nhân lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm.

Thực tế cho thấy "bệnh" sợ trách nhiệm diễn ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương, gây ra những hậu quả khôn lường. Ngày 6/5, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, chia sẻ ý kiến của cử tri về "bệnh" sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Nói là sợ trách nhiệm thì cũng đúng nhưng đúng ra là thiếu trách nhiệm.

Chúng ta yêu cầu làm đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định pháp luật đã, nhưng cũng chưa làm, không làm thì phải gọi đó là thiếu trách nhiệm, nói nặng hơn là vô trách nhiệm, chưa nói đến việc dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, tìm tòi sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

Sau đó, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 9/5/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ cần khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, chưa biết là lớn hay nhỏ, cả Trung ương và địa phương lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm, việc của mình đẩy cho người khác, việc cấp dưới thì đẩy cho cấp trên.

Từ đây cho thấy đã đến lúc cần kiên quyết đấu tranh phòng, chống, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền sợ trách nhiệm, "giữ an toàn quá mức cần thiết", không dám giải quyết công việc, trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Trên thực tế, việc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cũng là thực trạng trong công tác quản lý, chỉ đạo xảy ra ở nhiều đơn vị, địa phương. Đó còn là một tội danh được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", trong đó chỉ rõ người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thì tùy theo trường hợp phạm tội cụ thể sẽ có những khung hình phạt khác nhau, trong đó có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Việc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cũng là thực trạng trong công tác quản lý, chỉ đạo xảy ra ở nhiều đơn vị, địa phương.

Từ đây có thể thấy, thiếu trách nhiệm trong công việc gây hậu quả nghiêm trọng để rồi vướng vòng lao lý, dù với bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần thiết phải nhận diện, phát hiện, triệt tiêu kịp thời, quyết liệt, hiệu quả. Trước thực trạng sợ trách nhiệm, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần những giải pháp mạnh để "công phá" những "hòn đá tảng" là những cá nhân, tập thể sợ "gánh nặng" trách nhiệm, giải quyết hài hòa bệnh sợ trách nhiệm mà không ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đang tiến hành hiệu quả, đạt được những kết quả to lớn trong thời gian qua.

Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg, về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Công điện chỉ rõ tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền... đã dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ chưa được quan tâm đúng mức…

Chính vì vậy, việc chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân tại các bộ, ngành, địa phương và của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc là hết sức cấp bách, cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sự chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của bộ, cơ quan theo đúng quy định cần được đề cao, tôn trọng, thực thi quyết liệt, chứ không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác...

Việc chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân tại các bộ, ngành, địa phương và của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc là hết sức cấp bách, cần thiết.

Đối với các địa phương cũng tuân thủ như vậy, phải chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền. Không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành. Không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan trung ương để né tránh trách nhiệm…

Bệnh sợ trách nhiệm không phải khi nào cũng dễ nhận diện, định lượng, chỉ rõ ràng rành mạch một cách cụ thể, thuyết phục. Việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này không phải là dễ dàng, trong ngày một ngày hai. Nhưng có khó khăn, vướng mắc đến mấy cũng phải tháo gỡ, phải giải quyết từng bước một cách triệt để, hiệu quả; từ việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những quy định, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết đến việc nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc đồng thời với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm tra đột xuất các hoạt động công vụ; kịp thời xử lý, bố trí cán bộ vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, là việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt trong công tác, tạo động lực thúc đẩy sự tích cực, tiến bộ, nhiệt tâm, nhiệt tình, sáng tạo trong công việc, lan tỏa năng lượng tích cực trong đời sống xã hội. Chỉ khi cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc, đồng bộ thực hiện các giải pháp với ý thức, tinh thần trách nhiệm cao nhất thì việc phá tảng băng, gánh nặng trách nhiệm mới đạt được kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bất kể sự tác động tiêu cực của điều kiện khách quan.

Một vấn đề không kém phần quan trọng khác, đó là cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021, của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trước hết, đó là việc thể chế hóa chủ trương này bằng các văn bản quy phạm pháp luật một cách kịp thời và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.

Khi đã có những "cây gậy pháp lý", sự khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân trong mỗi cán bộ, đảng viên; việc "bắt bệnh" được tiến hành rộng khắp thì "phác đồ điều trị" bệnh sợ trách nhiệm sẽ có những tiến triển tích cực, giúp mỗi cá nhân, tập thể, đơn vị, địa phương, bộ, ngành khỏe mạnh hơn, tạo động lực làm việc, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của đất nước.